Hội thảo khoa học “Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững tại Bình Phước” lần 2

2679

Chiều ngày 06/11, Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững tại Bình Phước” lần 2 với chủ đề “Đề xuất giải pháp quản lý và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững tại Bình Phước” do TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương làm chủ nhiệm đề tài.

Đến dự có ThS. Lê Minh Khánh – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ; PGS.TS Phan Thị Cúc – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí Tài chính Sự nghiệp Văn hóa Xã hội – Bộ Tài chính; PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Quản trị du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường Đại học Công nghệ Tp. HCM; LS. Đỗ Minh Trung – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước; ThS. Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Quản lý du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước; TS. Đặng Hà Giang – Phó Giám đốc thường trực Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước; ThS. Lê Văn Duyệt – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học – Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước; ThS. Nguyễn Văn Oai – Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước cũng như các nhà nghiên cứu, chuyên gia có bài tham luận trong Hội thảo và đông đảo cán bộ, giảng viên Trường Đại học Bình Dương.

TS. Cao Việt Hiếu phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Bình Phước là tỉnh có địa hình nhiều rừng núi, là khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tài nguyên du lịch Bình Phước gắn liền với các di tích lịch sử, với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống nên có nhiều phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng.

Năm 2018, có hơn 333.000 lượt khách đến Bình Phước tăng 72,1% so với cùng kỳ năm 2017, tổng thu du lịch đạt 277,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng du lịch của Bình Phước, khi chỉ chiếm khoảng 22% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. “Vì thế Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm tập trung nghiên cứu, đánh giá những giá trị, tiềm năng lợi thế của du lịch ở Bình Phước đặc biệt là khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nhận thức rõ những trở ngại, khó khăn của hoạt động du lịch ở khu vực này qua đây sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc để ngành “công nghiệp không khói” của Bình Phước có thể phát triển một cách vượt bậc” – TS. Cao Việt Hiếu nhấn mạnh.

Nếu như ở Hội thảo lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2019, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã lần lượt nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà ngành du lịch tỉnh Bình Phước đang gặp phải thì ở Hội thảo lần này các chuyên gia đã tiếp tục tập trung xoáy sâu vào những vấn đề đã đề cập trước đó. Những bài tham luận ở Hội thảo lần  này có hàm lượng khoa học và nội hàm mang tính thực tiễn cao, tiêu biểu như: Đề tài “Đề xuất xây dựng mô hình xếp hạng các điểm đến du lịch ở Việt Nam theo chỉ số cạnh tranh dựa trên các tiêu chí được tham khảo từ báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới” của TS. Trần Quang Minh – Giảng viên Khoa Du lịch – Khách sạn Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Tp. Hồ Chí Minh; Đề tài “Chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào du lịch – Những “nút thắt” cần tháo gỡ đối với du lịch Bình Phước” của ThS. Nguyễn Văn Oai; Đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bình Phước trong hội nhập quốc tế” – TS. Nguyễn Hoàng Phương, ThS. Phan Thị Kim Phương; PGS.TS Phan Thị Cúc – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí Tài chính Sự nghiệp Văn hóa Xã hội – Bộ Tài chính với đề tài “Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững của ngành du lịch tỉnh Bình Phước – thực trạng – lựa chọn và giải pháp”; PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng với đề tài “Thực trạng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Bình Phước”…

PGS.TS Phan Thị Cúc trình bày tham luận “Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững của ngành du lịch tỉnh Bình Phước – thực trạng – lựa chọn và giải pháp”

PGS.TS Phan Thị Cúc cho biết: “Muốn phát triển sản phẩm du lịch một cách bền vững cần phải thực hiện các nguyên tắc sau: Đảm bảo sự đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế và thu nhập của địa phương; Sản phẩm du lịch bền vững phải góp phần tăng cường số và chất lượng việc làm tại địa phương và hỗ trợ cho địa phương; Tôn trọng sự đa dạng văn hóa, tăng cường bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa đã mang bản sắc dân tộc”.

PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ tại chương trình

Liên quan đến thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bình Phước, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng nêu rõ: Để hoạt động du lịch tại Bình Phước phát triển nhanh và bền vững điều kiện tiên quyết là chúng ta cần phải “xây dựng cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch” bên cạnh việc mở rộng liên kết vùng.

ThS. Nguyễn Văn Oai – Phó Trưởng Phòng Quản lý Du lịch – Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Phước chia sẻ tại buổi Hội thảo

TS. Trần Quang Minh trình bày tham luận tại chương trình

Sự khi lắng nghe các phần trình bày tham luận với gần 10 bài tham luận của các nhà nghiên cứu và học giả, ThS. Lê Minh Khánh – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ: Buổi Hội thảo do TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương chủ trì hôm nay đã có những đóng góp thực sự to lớn đặc biệt về mặt chuyên môn, tính thực tiễn trong việc “gỡ được nút thắt để giải quyết được bài toàn nan giải về hướng phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Bình Phước” trong thời điểm hiện tại và giai đoạn tới.

ThS. Lê Minh Khánh chia sẻ tại buổi Hội thảo

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

 

Ban Biên tập