Tiềm năng du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ

14961

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Thông qua Nghị quyết 08-NQ/TW ban hành ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Được mệnh danh là ngành “công nghiệp không khói”, hay “con gà đẻ trứng vàng”, du lịch thực sự mang lại cho các tỉnh thành của Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung những đóng góp đáng kể vào ngân sách, nhất là mang hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ rộng mở. 

Trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, vùng du lịch Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là hạt nhân then chốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong đó đã xác định Đông Nam Bộ là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch cả nước. Sản phẩm đặc trưng của vùng du lịch Đông Nam Bộ là: “Du lịch sinh thái rừng, sinh thái biển – đảo; hệ sinh thái đất đỏ miền Đông với các giá trị văn hóa – lịch sử”.

Vùng Đông Nam Bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ được thiên nhiên ưu ái khi có khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm, các diễn biến thất thường về khí hậu quanh năm rất nhỏ, ít có thiên tai, không quá lạnh; là khu vực có các sông lớn và dài với mật độ phân bố tương đối thấp 0,5km/km2, có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng thuận lợi cho phát triển du lịch; có chiều dài bờ biển gần 180km với thềm lục địa rộng trên 100.000 km2 có các bãi biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa – Vũng Tàu; có hệ sinh thái đất ngập mặn tại Cần Giờ; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; hệ thống Vườn quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh); tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: Núi Bà Đen (Tây Ninh) còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, Núi Bà Rá (Bình Phước), Núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu), Núi Chứa Chan (Đồng Nai); tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; hồ Dầu Tiếng; hồ Trị An (Đồng Nai); hồ Thác Mơ (Bình Phước).

Vì những ưu điểm như trên, vùng Đông Nam Bộ có thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch tổng hợp, trong đó nổi bật là du lịch sinh thái; nếu như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những trung tâm phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; thì các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh lại có một hệ thống rừng quốc gia với sự đa dạng về sinh học rất cao, là nơi thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng gắn liền với văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương.

Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, mang ý nghĩa to lớn trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch của một quốc gia hay của một địa phương, vùng miền. Nó có ý nghĩa quan trọng trong sự góp phần thúc đẩy quá trình ngày càng đi lên của đất nước ta, cùng với việc góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị cao quý của tự nhiên. Vùng du lịch Đông Nam Bộ với hệ sinh thái khá đa dạng, phục vụ cho mọi nhu cầu khám phá thế giới tự nhiên của các du khách khi đến tham quan các khu du lịch sinh thái tại vùng này. Khi tham gia các chuyến du lịch gắn với sinh thái tự nhiên, du khách sẽ hiểu hơn về thiên nhiên – xứ sở – con người bản địa, cùng khám phá nhiều địa danh với những cảnh sắc thơ mộng, bình dị, hữu tình, chân thực và đầy sức quyến rũ, tất cả như sẽ hoà quyện lại giúp cho du khách dễ dàng xua tan đi những mệt mỏi, lo toan, vất vả của cuộc sống hàng ngày.

Sinh viên ngành Việt Nam học Trường Đại học Bình Dương tham quan kiến tập.

Là một trường đại học có đào tạo ngành Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch) ở vị trí địa lý thuộc vùng Đông Nam Bộ – Trường Đại học Bình Dương đã có nhiều chương trình tour thực tế cho các bạn sinh viên của ngành có được cơ hội trải nghiệm các chuyến du lịch sinh thái tại Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh hay tại tỉnh Bình Dương. Qua đó thể hiện rất rõ tính chủ động của nhà trường trong việc đề cao và phát huy tốt việc gắn kết thực tế với lý thuyết giảng dạy, lồng ghép thực tiễn vào để làm sáng tỏ thêm cho lý luận. Đồng thời việc làm đó cũng góp phần làm tăng ý thức trách nhiệm của sinh viên chuyên ngành về du lịch, từ việc bảo tồn những giá trị tốt đẹp của thiên nhiên ban tặng trong quá trình phát triển du lịch của vùng miền nói riêng và cả nước nói chung, để các thế hệ tương lai có thể chung tay góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành du lịch nước nhà.

                                                                                                                           Bài: Tuyền Em