Quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo

462

Theo kế hoạch, ngày 11/2/2023, Trường Đại học Bình Dương sẽ tổ chức tọa đàm “Phương pháp giảng dạy và đánh giá học phần Trường Đại học Bình Dương năm 2023”. Đây là hoạt động mang tính thường xuyên của Trường trong quá trình thực hiện các chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo và đánh giá đã được Trường Đại học Bình Dương ban hành khung mẫu chung gồm 13 phương pháp giảng dạy, học tập và phương pháp đánh giá (Rubric đánh giá). Các nội dung phương pháp giảng dạy và đánh giá được đưa ra khá chi tiết, rõ ràng và logic. Điều này tạo thuận lợi cho cả người dạy trong quá trình truyền đạt tri thức, người học tiếp nhận tri thức trong thời gian học ở trường và đặc biệt Nhà trường rất thuận lợi trong công tác quản lý chất lượng đào tạo.

Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải tổ chức Tọa đàm này? Trả lời được câu hỏi này, người tham dự sẽ có tâm thế chủ động, sẵn sàng, thái độ cầu thị và tinh thần chia sẻ thấu đáo để mang đến sự thành công cho Tọa đàm. Đầu tiên, có thể nói việc quản lý, đào tạo và đánh giá ở môi trường đa ngành là một vấn đề không dễ không chỉ với Ban giám hiệu Nhà trường mà còn với cả những cán bộ, giảng viên tham gia công tác giảng dạy tại đây. Từ khung mẫu chung về công tác giảng dạy và đánh giá, mỗi giảng viên thực hiện công tác giảng dạy phải cụ thể hóa vào từng môn học, từng ngành đào tạo cụ thể để đảm bảo chất lượng đào tạo đạt kết quả cao nhất, công tác đánh giá cũng cần đảm bảo sự chính xác, khách quan. Quá trình ứng dụng bộ phương pháp giảng dạy và đánh giá này, chắc chắn sẽ có những vấn đề cần tháo gỡ, những vấn đề chưa rõ cần giải đáp, làm rõ để tất cả các cán bộ giảng viên cùng phương án thực hiện một phương án thống nhất. Mục tiêu là đảm bảo việc thực hiện đầy đủ nội dung đào tạo và đánh giá kết quả.

Một vấn đề khác đặt ra ở Tọa đàm này là tinh thần thái độ của người tham dự. Nếu có những vấn đề chưa rõ trong phương pháp giảng dạy và đánh giá, giảng viên cần mạnh dạng trao đổi để Chủ tọa đoàn giải đáp, những vấn đề bất hợp lý trong nội dung “Phương pháp giảng dạy và đánh giá” cũng cần được các giảng viên và người làm công tác giám sát, quản lý đào tạo mạnh dạng chỉ ra để cùng bàn bạc, trao đổi, khi thấy hợp lý thì các đơn vị sẵn sàng điều chỉnh. Muốn làm được điều này, Tọa đàm rất cần sự thẳng thắn, mạnh dạng trao đổi của người tham dự và chắc chắn cũng rất cần sự cầu thị của các bên có liên quan trong trao đổi, thảo luận để có thể có được những ý kiến thật giá trị, góp phần cho sự nghiệp giáo dục của Nhà trường.

Nhà thơ nổi tiếng người Ấn Độ – Rabindranath Tagor từng nói “Một ngọn đèn muốn thắp sáng cho những ngọn đèn khác thì ngọn đèn đó phải liên tục cháy sáng”. Ở góc độ giáo dục, chúng ta có thể hiểu, câu nói của Tagor là: người thầy muốn truyền tri thức tốt cho học trò thì phải luôn không ngừng học hỏi tri thức mới. Và Tọa đàm của chúng ta cũng là nhằm mục tiêu tốt đẹp này.

BBT