Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường 2018

2911

Chiều 9/6, Trường Đại học Bình Dương (BDU) đã tổ chức buổi Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) Khảo sát hiệu quả xử lý nước thải chế biến thủy sản bằng bể lọc sinh học giá thể bã mía” do sinh viên Nguyễn Bảo Trân – Khoa Công nghệ Sinh học BDU thực hiện.

Sinh viên Nguyễn Bảo Trân (bìa phải) trình bày nội dung đề tài nghiên cứu của mình trước Hội đồng nghiệm thu

Tham dự Hội đồng nghiệm thu có TSKH. Huỳnh Thanh Tùng – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Bình Dương làm Chủ tịch; ThS. Nguyễn Minh Huy – Giảng viên Khoa CNSH làm ủy viên; TS. Nguyễn Thanh Phong – Đại diện Xí nghiệp xử lí chất thải Thủ Dầu Một làm phản biện 1; TS. Bùi Mạnh Hà – Đại diện Công ty TNHH Môi trường Vạn Tường làm phản biện 2.

Tại chương trình, sinh viên Nguyễn Bảo Trân đã có phần trình bày, trả lời các câu hỏi chất vấn từ Hội đồng nghiệm thu xoay quanh đề tài của mình. Theo đó, Đề tài được thực hiện từ ngày 15/3/2017 đến ngày 10/7/2017 với đối tượng nghiên cứu là nước thải thủy sản được lấy sau bể tuyển nổi của Công ty TNHH Hải Ân (Bình Dương). Bảo Trân chia sẻ “Đề tài được thực hiện nhằm tìm hiểu về mức độ xử lý chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thải chế biến thủy sản mà cụ thể là COD, độ màu… để đánh giá hiệu suất xử lý nước thải qua bể lọc sinh học hiếu khí giá thể bã mía. Ngoài ra còn khảo sát thêm thông số phụ như pH, độ kiềm để làm cơ sở điều chỉnh và vận hành mô hình xử lý một cách hiệu quả nhất”.

Hội đồng nghiệm thu nhận xét đề tài của sinh viên Bảo Trân

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý tưởng của sinh viên Bảo Trân khi sử dụng bã mía làm vật liệu lọc chất thải vì đây là vật liệu vừa tự nhiên, rẻ tiền nhưng lại rất hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường mà cụ thể là môi trường nước. Qua công trình nghiên cứu của tác giả Bảo Trân, Hội đồng nghiệm thu nhận định mô hình nghiên cứu bể lọc sinh học giá thể bã mía có thể áp dụng ngoài thực tế để xử lý nước thải chế biến thủy sản; Làm tiền đề cho các nghiên cứu mở rộng đối với các loại nước thải có nồng độ chất hữu cơ cao như: Nước thải giấy, nước thải dệt nhuộm, nước thải chăn nuôi và nước thải trong chế biến cao su…

Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã họp bàn và thống nhất thông qua đề tài của sinh viên Nguyễn Bảo Trân với số điểm 86,5.

Ban Biên tập

(Hình ảnh do Khoa CNSH cung cấp)