Nâng tầm chất lượng – “Chìa khóa” giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên

1626

Tại báo cáo đánh giá về chất lượng, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành xây dựng của Tổng hội Xây dựng cho thấy, cả nước có khoảng gần 80.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng với gần 4 triệu lao động và ước tính con số này sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Điều này cho thấy vai trò quan trọng cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 như ở nước ta hiện nay.

Có thể thấy, nguồn cầu thì đang ở mức cao nhưng nguồn cung về nhân lực ngành xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhiều tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cả trong và ngoài nước vẫn đang thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao đã qua đào tạo tại các trường lớp một cách trầm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp xây dựng trong nước không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài khi “chơi sòng phẳng” trong các gói đấu thầu, dự án lớn.

Nâng tầm chất lượng đào tạo của Khoa

Trước những biến động của ngành Xây dựng, đặc biệt là cơ hội việc làm của sinh viên khi mới tốt nghiệp ra trường, trong những năm trở lại đây Khoa Kiến trúc – Xây dựng nói chung và ngành Xây dựng Trường Đại học Bình Dương nói riêng đã triển khai nhiều biện pháp mang tính dài hơi và có lộ trình để nâng tầm chất lượng đào tạo của Khoa từ chương trình đào tạo cho đến đội ngũ giảng viên, qua đây tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo đội ngũ kỹ sư có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.  

Sinh viên Khoa Kiến trúc – Xây dựng Nhà trường trong giờ học thực hành

Một trong những chương trình nằm trong chiến lược nâng tầm chất lượng đào tạo của Khoa Kiến trúc – Xây dựng Nhà trường là vào ngày 21/2/2020, TS. Lê Hoài Long – Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và NCS. Võ Đăng Khoa, thành viên Trung tâm BIMLab trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh đã đến làm việc tại Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương nhằm tiến hành triển khai việc thành lập nhóm chuyên gia giữa 2 đơn vị, từ đó tạo cơ sở để cùng hợp tác và thực hiện những dự án xây dựng, các đề tài nghiên cứu khoa học…

Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc tuyển sinh, đào tạo, cho Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương.

TS. Lê Hoài Long (thứ 3, từ phải sang) đến làm việc tại Khoa Kiến trúc – Xây dựng Nhà tường

Trước đó, vào ngày 26/1, Khoa Kiến trúc – Xây Dựng Trường Đại học Bình Dương đã phối hợp với Hội Công trình ngầm Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Những đổi mới trong Xây dựng Công trình ngầm – Innovations in Underground Construction”. Hội thảo đã quy tụ nhiều nhà khoa học tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới đến tham dự và trình bày chuyên đề tại chương trình, tiêu biểu là GS.TS. Tarcisio Celestino – Chủ tịch Hội Công trình Ngầm và Không gian Ngầm Quốc tế (ITA).

GS.TS. Tarcisio Celestino – Chủ tịch ITA chia sẻ với sinh viên Khoa Kiến trúc – Xây dựng Nhà trường tại Hội thảo quốc tế “Những đổi mới trong Xây dựng Công trình ngầm – Innovations in Underground Construction” do Khoa tổ chức

Chia sẻ xoay quanh câu chuyện tìm việc làm cho sinh viên, ThS. Trịnh Văn Thưởng – Phó Trưởng khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương cho biết: “Tìm việc làm cho sinh viên, từ lâu đã được coi là một trong những bài toán mang tính căn cơ mà gần như ngành đào tạo nào cũng gặp phải, để giải quyết bài toán này thực sự không dễ dàng, ngoài việc tìm nguyên nhân cốt lõi của vấn đề thì các đơn vị cần phải tự nâng tầm chất lượng đào tạo của đơn vị mình, đặc biệt là về mặt học thuật và đội ngũ giảng viên”.

Tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp “trong ngành”

Như lời dẫn nhập ở trên, ta thấy rõ hiện nay giữa việc đào tạo ở trong trường đại học đang có sự đối nghịch lại với nhu cầu của xã hội khi sinh viên ra trường không tìm được việc làm còn các tập đoàn, doanh nghiệp lại không tuyển được lao động vì người lao động không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.

Thiết nghĩ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên là nhiều trường đại học đào tạo sinh viên chưa “hợp gu” với doanh nghiệp. Sinh viên khi ra trường ngoài việc yếu về mặt kiến thức chuyên môn thì vấn đề kỹ năng mềm, sự va chạm với thực tế cũng là đều đáng quan ngại.

ThS. Trịnh Văn Thưởng chia sẻ: Đứng trước thực trạng trên, Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương đã tiến hành ngay vào việc “bắt tay” với những tập đoàn và doanh nghiệp có uy tín đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cả trong và ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm giải quyết bài toán nan giải trên. Qua đây, giúp các bạn sinh viên rút ngắn được khoảng cách từ giảng đường đến doanh nghiệp.

ThS. Trịnh Văn Thưởng (bìa phải) – Phó Trưởng khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương gặp gỡ và làm việc với Lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn kiểm định xây dựng Bình Dương

Đơn cử, vào ngày 26/2/2020, Khoa Kiến trúc – Xây dựng Trường Đại học Bình Dương đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Công ty TNHH Tư vấn kiểm định xây dựng Bình Dương để triển khai việc hợp tác toàn diện giữa Khoa và Công ty thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác MOU. Theo đó, Công ty sẽ tạo mọi điều kiện để sinh viên có thể học thực hành, thực hiện các công trình thí nghiệm hay kiến và thực tập tại Công ty.

Ngoài ra, trong quá trình sinh viên học các môn liên quan đến thực hành như: Thí nghiệm Cơ học đất, Thí nghiệm Vật liệu xây dựng, Thí nghiệm Sức bền vật liệu, Thực tập trắc địa… thì công ty sẽ cử cán bộ kĩ thuật phối hợp cùng giảng viên trong Khoa để đào tạo, giảng dạy cho sinh viên.

Đặc biệt, hai bên sẽ thành lập nhóm nghiên cứu để cùng hợp tác và thực hiện các công trình, sản phẩm mang tính thương mại phục vụ cho xã hội.

Sinh viên ngành Xây dựng kiến tập tại công trình của doanh nghiệp có liên kết với Khoa 

Việc Khoa gắn kết với doanh nghiệp ngoài việc tạo nguồn để sinh viên dễ dàng kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp thì một trong những lợi ích thiết thực cho sinh viên chính là sinh viên sẽ dễ dàng tiếp cận được với các học bổng từ doanh nghiệp cũng như sẽ có được kinh nghiệm, kiến thức và sự va chạm thực tế từ môi trường doanh nghiệp” – ThS. Trịnh Văn Thưởng – Phó Trưởng khoa Kiến trúc – Xây dựng cho biết.

Ban Biên tập