Hoàn thành giai đoạn I đề tài NCKH “Thí điểm xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông cái tàu, thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau”

1016

Vào tháng 9 năm 2015, Trường Đại học Bình Dương đã đăng ký đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ “Thí điểm xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Cái Tàu, thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau” với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Cà Mau và đã được phê duyệt. Chủ nhiệm đề tài là PGS. TS Nguyễn Xuân Mãn, Chủ nhiệm bộ môn Xây dựng công trình ngầm – Khoa Xây dựng trường Đại học Bình Dương.

Mục tiêu của đề tài này là áp dụng công nghệ xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ kênh sông rạch bằng bao sinh thái, thực hiện tại các địa điểm có nhiều phương tiện giao thông thủy tạo sóng trong tỉnh Cà Mau. Để khắc phục hiện tượng xói lở bờ sông, kinh phí bỏ ra có thể tới hàng ngàn tỉ đồng. Thực tế nhiều địa phương đã thực hiện nhiều dự án cụ thể với việc xây dựng công trình kè chống xói lở. Tuy nhiên cho đến nay các công trình kè chống xói lở với kỹ thuật truyền thống quen thuộc thường tỏ ra kém thích hợp với điều kiện địa chất công trình cụ thể của các địa phương. 
      

Đoạn bờ kè được xây dựng.
Phương thức chống sạt lở ở nước ta hiện nay thường là các cấu trúc cứng như: xây tường đá tường bêtông, kè bằng rọ đá, cột bêtông, tấm đan bêtông cốt sắt hoặc các phương tiện đơn sơ khác như đóng cọc dừa, tre… Các phương thức này thường không bền đối với các bờ sông kênh rạch nơi có các phương tiện giao thông cơ giới thường xuyên qua lại, đặc biệt là vùng nước mặn.

Trên cơ sở phân tích tính khả thi của các kết cấu trong các công nghệ kè bờ, lát mái, đóng cọc, xây tường,… nhóm nghiên cứu đề xuất công nghệ chống sạt lở bờ sông bằng công nghệ dùng bao sinh thái, được sản xuất tại Công ty ECOTECK DRESDEN GERMANY, thuộc Tổ chức Môi trường thế giới. Chất liệu chính là sợi nhựa PP cộng với các chất phụ gia tổng hợp tạo nên vật liệu có độ bền hóa lý rất cao. Bao sinh thái không bị biến tính dưới tác dụng của môi trường nước mặn, kiềm cũng như acid, không những không bị biến tính ở nhiệt độ của xứ nóng mà cả ở vùng lạnh khi nhiệt độ xuống dưới không độ, không bị phá hủy bởi tia tử ngoại (UV). Tính chất này làm cho nó không bị lão hóa như các vật tư bằng sợi nhựa PP khác dưới ánh nắng mặt trời. Hơn nữa ưu điểm của phương pháp này là thi công đơn giản và giá thành thấp.           

Đề tài được tiến hành trên một đoạn bờ sông Cái Tàu, cụ thể là đoạn bờ sông bị sạt lở tại trường tiểu học Nguyễn Hiền. Chiều dài công trình là 100m đang bị sạt lở tại đây. Công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở bằng bao sinh thái được khởi công vào ngày 04/01/2016 và hoàn thành vào ngày 14/01/2016.            

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài sẽ tiến hành theo dõi đánh giá sự biến động của bờ kè đã được xây dựng và tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất quy trình thi công bờ kè chống sạt lở bằng bao sinh thái tại các kênh rạch tỉnh Cà Mau”.

PHÒNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC