Đoàn khoa Luật học tổ chức về nguồn “Theo dòng lịch sử” lần IV

931

Ngày 21/7, Đoàn khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Theo dòng lịch sử” lần IV tại Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) cho sinh viên các khóa của Khoa.

Đ/c Nguyễn Thành Tài – Bí thư Đoàn khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương cho biết: Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020), Đoàn Khoa Luật học đã tổ chức chương trình về nguồn với chủ đề “Theo dòng lịch sử” lần IV tại Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An, thông qua chương trình, Đoàn khoa Luật học mong muốn sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu thêm về Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An từ đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tiếp bước các thế hệ cha anh gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sinh viên Khoa Luật học tham quan, tìm hiểu về Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An

Tại chương trình, Ban Chấp hành Đoàn khoa cùng các đoàn viên đã được cán bộ chuyên trách của Khu di tích giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của huyện Dầu Tiếng nói chung và Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An nói riêng. Theo đó, nằm cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng khoảng 25 km, trên địa bàn xã An Lập, rừng lịch sử Kiến An trải rộng trên diện tích 245 ha. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Khi ấy, Pháp phân loại khu rừng này là rừng cấm 124, giáp với rừng cấm 123 ở An Tây, Bến Cát. Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắc địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn.

Cùng với các căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của chiến khu Bắc Bến Cát. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An, xã An Lập, Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích cách mạng cấp tỉnh vào năm 2004.

Bên cạnh tham quan tìm hiểu về Khu di tích gắn liền với bao chiến công hào hùng một thời làm nên lịch sử, Đoàn khoa còn tổ chức trò chơi rung chuông vàng… cũng như các tiết mục văn nghệ tạo bầu không khí sôi nổi, thắt chặt thêm tình đoàn kết, từ đó tạo nguồn động lực để mỗi đoàn viên, sinh viên ra sức phấn đấu học tập, hoàn thiện bản thân để trở thành những con người có trách nhiệm trên nền tảng triết lý Học – Hỏi – Hiểu – Hành như tôn chỉ giáo dục mà Nhà trường đã đề xướng.

Sinh viên Khoa Luật học tham gia trò chơi rung chuông vàng

Bạn Nguyễn Thành Long – Sinh viên khóa 20 khoa Luật học cho biết: Thông qua chuyến đi về Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Kiến An, mình đã bổ sung được nhiều kiến thức quý giá về Khu di tích. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, hy vọng rằng trong thời gian tới Đoàn khoa Luật học sẽ có nhiều hoạt động như thế này hơn nữa.

Đoàn Khoa Luật học trao giải cho các thí sinh đạt giải tại trò chơi rung chuông vàng

Một số hình ảnh tại chương trình:

Ban Biên tập