Ngành Tài chính – Ngân hàng: chuyên ngành không thể thiếu trong thời đại 4.0

968

Với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, để vận hành và phát triển đất nước đều phải có chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.

Ở Việt Nam, theo định hướng phát triển và có sự cam kết thực hiện của nhà nước thì thị trường tài chính sẽ càng ngày càng phát triển cao hơn, mục tiêu sắp tới là đưa Việt Nam thành thị trường mới nổi để thu hút nhiều quỹ đầu tư và FDI, từ đây sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới như: quản lý danh mục đầu tư tài chính, tư vấn tài chính cá nhân vào những tài sản tài chính nào là hiệu quả (lúc này tư vấn tài chính cá nhân không còn là những công việc như: tư vấn gửi – vay tiền, tư vấn bảo hiểm), môi giới tài chính… bên cạnh những nghể nghiệp truyền thống về tài chính – ngân hàng sẽ phát triển lên mức cao hơn…

Đối với mỗi cá nhân, để ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp, tương lai thì cần nhận biết sự vận động từ chính sách nhà nước, xu hướng ngành nghề để có những dự tính cho phù hợp.

Để công nghệ số hoá lĩnh vực tài chính – kinh doanh thì cần thiết người sử dụng và quản lý phải hiểu được bản chất từng nghiệp vụ, hiểu được mối liên hệ giữa các số liệu, dữ liệu và hiểu được sự thay đổi của chính sách nhà nước tác động lên từng công việc, nghiệp vụ cụ thể… từ đó thiết kế một hệ thống quản lý đơn giản, linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của mọi người sử dụng.

Tài chính – Ngân hàng là chuyên ngành cung cấp kiến thức chuyên sâu về tài chính, về bản chất và sự vận hành của tiền tệ ở cấp vĩ mô (tài chính công – Ngân hàng Trung ương) và cấp vi mô (thị trường tài chính, tài chính doanh nghiệp và các nghiệp vụ chuyên môn cụ thể).

Những kiến thức và kỹ năng đạt được khi học ngành Tài chính – ngân hàng:

  • Kỹ năng phân tích: thông qua sự thay đổi của chính sách nhà nước sẽ giúp người học nhận biết được ngành nghề nào được sự hỗ trợ của nhà nước, những ưu đãi của nhà nước trong những ngành nghề cụ thể cho những năm sắp tới để có thể tận dụng. Thông qua số liệu tài chính – kế toán của doanh nghiệp, của ngân hàng, người học có thể nhận biết và hiểu được “sức khoẻ tài chính” của từng chủ thể khi phân tích.
  • Kỹ năng tổng hợp: thông qua những phân tích, đánh giá, người học sẽ biết được những công việc, ngành nghề nào mà mình có thể tham gia, biết được “sức khoẻ” của từng chủ thể doanh nghiệp để đầu tư… Từ đó, sẽ giúp người học nhìn thấy một bức tranh rộng hơn nhằm đảm bảo quyết định của mình có xác suất thành công cao.
  • Kỹ năng phát triển tư duy: khi xem xét, phân tích dữ liệu, số liệu sẽ giúp người học rèn luyện và phát triển tư duy logic khi giải quyết một vấn đề. Giải thích những trường hợp đặc biệt trong đầu tư tài chính theo cách logic – khoa học nhất hay khía cạnh khác là hạn chế yếu tố mà nhiều người cho là “may mắn”.
  • Kỹ năng ra quyết định: khi thành thạo và quen biết việc phân tích và tổng hợp sẽ giúp người học quyết định rất nhanh trong từng tình huống. Đây là điều rất quan trọng trong công việc đòi hỏi quyết định trong thời gian rất ngắn.

Với các kiến thức về tài chính, ngân hàng, đầu tư tài chính đã học, những kiến thức vĩ mô, vi mô, sự kết hợp đan xen với nhau về chính sách nhà nước, kinh tế, xã hội, người học sẽ có được lợi thế tốt hơn trong phân tích và đánh giá ở mức độ toàn cảnh tốt hơn.

Học ngành này ra trường làm gì?

Trước nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực của nhóm ngành Tài chính ngân hàng, sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhận một số vị trí như chuyên viên quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại, chuyên viên tín dụng, chuyên viên thẩm định và quản lí rủi ro tín dụng, chuyên viên khách hàng cá nhân với mức lương khoảng từ 8 – 10 triệu đồng/tháng tùy năng lực.

Ngoài ra, người học có thể làm việc tại các cơ quan, công ty với vai trò của cán bộ thuế, phụ trách tiền lương, hoặc cũng có thể làm việc tại các công ty chứng khoán, bảo hiểm…Thêm vào đó làm việc trong lĩnh vực tài chính bạn có cơ hội được khẳng định bản thân và cơ hội thăng tiến tốt trở thành quản lý, giám đốc tài chính.

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội:

  • Đối với công ty cổ phần niêm yết: Nhà nước khuyến khích nhiều công ty cổ phần hoá trên TTCK thì một số công việc như chuyên viên tài chính, chuyên viên phân tích tài chính và giám đốc tài chính là những vị trí không thể thiếu.
  • Đối với công ty chứng khoán, bảo hiểm: môi giới chứng khoán, phân tích tài chính doanh nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, chuyên viên đầu tư chứng khoán, chuyên viên kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, tài sản tài chính… sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển.
  • Đối với từng cá nhân: giúp người học có thể tự kinh doanh chứng khoán, tự bản thân đầu tư…

ThS. Châu Vĩnh Nghiêm, Giảng viên Khoa Kinh tế