Ngành Quản trị Nhà trường và cơ hội nghề nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa

2152

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực cán bộ quản lý giáo dục có cách nhìn toàn diện, khách quan, đồng thời phải thành thạo các kỹ năng chuyên môn. Trước nhu cầu đó, Trường Đại học Bình Dương mở và xét tuyển ngành Quản trị Nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cho xã hội.

1. Trang bị kiến thức và kỹ năng cốt lõi về quản lý giáo dục

Người học được trang bị các kiến thức cơ bản, cốt lõi về quản trị tổ chức và cơ sở giáo dục bao gồm: quản trị hành chính, quản trị nhân sự, quản trị hoạt động dạy học và giáo dục, quản trị thiết kế và thực thi chương trình giáo dục, quản trị các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, quản trị chất lượng giáo dục… Từ đó có năng lực tác nghiệp giáo dục trong cơ sở giáo dục: hỗ trợ phát triển chuyên môn của các giáo viên, nhân viên; tổ chức, hỗ trợ và giám sát hoạt động dạy học và giáo dục; tư vấn cho lãnh đạo và quản lý nhà trường về quản trị trường học; hướng dẫn, tổ chức cho giáo viên và nhân viên thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục; hỗ trợ, tư vấn cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, hướng nghiệp cho học sinh…

Tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân Quản trị trường học, người học có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị nhà trường, nắm vững kỹ thuật để giải quyết các hoạt động tác nghiệp trong nhà trường; tích lũy được kiến thức nền tảng về giáo dục & đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục theo học thạc sĩ, tiến sĩ về quản trị trường học, quản lý giáo dục.

2. Vận dụng linh hoạt kiến thức đa ngành để quản trị giáo dục

Khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để quản trị các cơ sở giáo dục là một trong những điểm nổi bật về kiến thức cùng năng lực chuyên môn của sinh viên chương trình đào tạo Quản trị nhà trường. Ngoài khối kiến thức chung, sinh viên sẽ có khả năng phân tích và vận dụng hệ thống lý thuyết cơ bản của tâm lý học, giáo dục học, quản trị học, tổ chức học và các lĩnh vực liên quan như pháp luật, kinh tế, văn hóa đất nước, địa phương, dân tộc… vào thực tiễn quản trị cơ sở giáo dục. Đồng thời sử dụng các kiến thức này để kết nối và huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhà trường.

Đặc biệt, với khối kiến thức ngành chuyên sâu, cử nhân Quản trị Nhà trường có thể thiết kế các vị trí việc làm tại cơ sở giáo dục cụ thể, giải thích được cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị trong cơ sở giáo dục, cơ quan giáo dục và các tổ chức giáo dục khác; xây dựng được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong một số cơ sở giáo dục cũng như biết cách quản trị tài chính, cơ sở vật chất tại cơ sở giáo dục…

3. Cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn

Theo học chương trình đào tạo Quản trị Nhà trường, sinh viên có đầy đủ năng lực và kỹ năng cần thiết để đảm nhiệm vị trí chuyên viên quản trị giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, chuyên viên quản trị giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên – dạy nghề – hướng nghiệp, cơ sở giáo dục cộng đồng, cơ sở đào tạo bồi dưỡng, cơ quan quản lý giáo dục của các tổ chức chính trị – văn hóa – xã hội, các tổ chức giáo dục ngoài công lập, các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam…

Đặc biệt, chương trình Quản trị Nhà trường hứa hẹn sẽ góp phần đào tạo các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn mới hội tụ trí tuệ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội thông qua sự hợp nhất các lý thuyết về quản lý giáo dục, quản trị trường học tiên tiến cùng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban Biên tập