Từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy ngành Việt Nam học

1022

Những năm gần đây, vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi các dịch vụ của nó phải đứng trong một quỹ đạo tiêu chuẩn quốc tế và có sự tranh đua cũng như nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực du lịch chất lượng cao được thừa nhận rộng rãi trong khu vực. Đây là một cơ hội rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo về du lịch của Việt Nam nói chung và Trường Đại học Bình Dương nói riêng.

Khó khăn và thách thức

Tại Trường Đại học Bình Dương, ngành Việt Nam học là một đơn vị đào tạo được thành lập theo quyết định số 266/2007/QĐ – ĐHBD vào ngày 01 tháng 01 năm 2008 do Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương ký quyết định thành lập. Nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội và thực hiện sứ mạng của Nhà trường từ những năm đầu thành lập đến nay, ngành Việt Nam học liên tục phát triển và không ngừng thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy, trở thành đơn vị đào tạo ra những thế hệ sinh viên có năng lực đáp ứng nhu cầu lao động cho địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Hiện nay, ngành Việt Nam học thuộc Khoa Kinh tế, Trường Đại học Bình Dương luôn đưa ra các chiến lược đổi mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Sinh viên khi mới tốt nghiệp ngành này đang có nhiều cơ hội việc làm, tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nhu cầu của tuyển dụng thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Sinh viên ngành Việt Nam học tăng cường tiếp cận kiến thức chuyên ngành đào tạo.

Một trong những yếu tố hàng đầu đó là sự chuẩn bị, trang bị kiến thức chuyên ngành cho sinh viên gắn liền với thực tế khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, việc đổi mới phương pháp đào tạo, cách tiếp cận thông tin sao cho phù hợp với thực tế là đòi hỏi cần thiết. Bên cạnh đó, việc chủ động tìm những giải pháp để khắc phục khó khăn trong quá trình giảng dạy, xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình cũng là một trong những công cụ cạnh tranh hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

Chính vì thế, ngành học đã từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc tăng cường các tiết học thực hành. Đây là yếu tố có vị trí quan trọng trong quá trình đào tạo. Mục tiêu của phương pháp đào tạo được áp dụng đối với sinh viên ngành Việt Nam học là nhằm gắn kết chặt chẽ quá trình giảng dạy và học tập với hoạt động thực tiễn, tạo nên một quy trình đào tạo có tính thực hành và liên kết cao, tạo điều kiện cho người học được trải nghiệm thực tế. Qua các học phần có tín chỉ thực hành, sinh viên sẽ được tham gia thực hiện một số công việc tại các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị này sẽ tham gia vào quá trình đánh giá, bồi dưỡng và đào tạo thêm cho sinh viên về mặt kiến thức thực tế. Với đặc thù ngành học, sinh viên sẽ được giảng viên hướng dẫn chọn nơi thực hành nghề nghiệp là các công ty lữ hành, khách sạn, các khu di tích, viện bảo tàng tại địa phương… để làm nơi ứng dụng thực hành của mình.        

Lợi ích của gắn kết thực hành với giảng dạy lý thuyết

Về phía sinh viên: Trước tiên, sinh viên có cơ hội chính thức được cọ xát với môi trường làm việc cụ thể, được áp dụng những kiến thức học được ở trường vào thực tế, có cơ hội chứng tỏ bản thân với đơn vị liên kết và có cơ hội tìm được việc làm ngay khi kết thúc đợt thực tế. Đây cũng là cơ hội tốt cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp sau này.

Ngoài ra, sinh viên ngành Việt Nam học cũng có thể chủ động tạo không gian rèn luyện thực hành tại trường qua việc tăng cường tham gia hoạt động của các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, câu lạc bộ thuyết trình, câu lạc bộ tiếng Anh du lịch… để tăng tính gắn kết và sự năng động giữa sinh viên với nhau đồng thời giúp sinh viên tự trau dồi, rèn luyện kỹ năng riêng cho mình ngay tại trường học.

Sinh viên ngành Việt Nam học được tăng cường giờ học thực hành giúp vững kiến thức chuyên môn.

Về phía giảng viên: Đây là cơ hội để giảng viên của ngành Việt Nam học tiếp cận chăm sóc sinh viên tận tình chu đáo, hướng dẫn các em cách viết bài báo cáo thu hoạch và rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông cũng như các quá trình hướng dẫn phục vụ du khách. Trong khi thực hành, giảng viên phải cùng tham gia hướng dẫn sinh viên, quản lý, kèm cặp và chấm điểm sinh viên, đánh giá nhật ký công việc của sinh viên thật rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để giảng viên tìm hiểu, cập nhật thông tin mới, trải nghiệm thực tế bên ngoài, thu thập kiến thức ứng dụng về giảng dạy cho sinh viên đạt hiệu quả.

Sinh viên ngành Việt Nam học được giảng viên hướng dẫn tham quan, kiến tập tại nhiều cơ sở du lịch lữ hành uy tín.

Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục lại có nguyên lý “học đi đôi với hành”, bởi lẽ “học” mà không “hành” thì việc “học” sẽ trở nên vô ích, việc thực hành sẽ giúp chúng ta nâng cao chất lượng của việc “học”. Nhìn chung, hoạt động gắn thực hành trong giảng dạy lý thuyết sẽ là một bước đi đúng đắn trong giai đoạn hiện nay vì nó khẳng định uy tín, thương hiệu của mình xứng đáng là nơi tin cậy cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế công việc, giúp sinh viên không những củng cố các kiến thức đã học mà còn rèn luyện tác phong làm việc, các kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết khi ra trường.

                                                                                Quang Hưng –  Giảng viên Khoa Kinh tế