Sinh viên Trường Đại học Bình Dương với hoạt động nghiên cứu khoa học

1983

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa trong sinh viên là nhiệm vụ mang tính hạt nhân và đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Trường Đại học Bình Dương ở giai đoạn tới bên cạnh nhiệm vụ chính trị là đào tạo và cung ứng cho xã hội đội ngũ lao động chất lượng cao từ đó đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước” – Đó là chia sẻ trong bài diễn văn phát biểu của TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương tại Lễ Công bố Quyết định, ra mắt Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022 diễn ra vào ngày 29/12/2017.

TS. Cao Việt Hiếu phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định, ra mắt Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương nhiệm kỳ 2017 – 2022

Là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của tỉnh nhà với chặng đường hơn 2 thập kỷ đồng hành và phát triển cùng tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm hiện tại Trường Đại học Bình Dương ngoài chất lượng đào tạo đã được xã hội công nhận cả về lượng lẫn chất cũng như dần ghi dấu ấn trên bản đồ giáo dục Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thì tổng số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Nhà trường đăng ký lên đến hàng nghìn bài trong đó có nhiều đề tài đã được Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt, cấp kinh phí để thực hiện.

Tiếp nối từ truyền thống đã trở thành văn hóa nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Bình Dương, theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý khoa học & Quan hệ đối ngoại Nhà trường, trải qua 2 quý trong năm 2019 Trường Đại học Bình Dương có 134 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và học viên đã được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Trong đó, Nhà trường tiến hành xét duyệt và cho thực hiện hơn 30% đề tài nghiên cứu của sinh viên theo phương thức triển khai thành đề tài cấp Trường cũng như trau dồi và bổ sung để có thể phát triển thành đề tài cấp Tỉnh với kinh phí hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/đề tài.

Sinh viên Nguyễn Bảo Trân (bìa phải) trong buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học

Với sức trẻ, sự sáng tạo, tinh thần đam mê nghiên cứu cùng sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô tại Nhà trường, những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được hoàn thiện và góp phần làm phong phú cho hệ sinh thái nghiên cứu khoa học trong sinh viên của Trường Đại học Bình Dương.

Một trong những hướng nghiên cứu thế mạnh của Nhà trường là lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như việc ứng dụng sự phát triển của công nghệ thông tin vào các đề tài qua đây một mặt giúp những đề tài nghiên cứu bám sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của xã hội mặt khác mang lại nhiều tiện ích, nhiều ứng dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong thời đại công nghệ 4.0. Tiêu biểu như đề tài “Thiết kế thi công thiết bị Robot phục vụ nhà hàng” của sinh viên Trần Văn và Đỗ Thị Mỹ Hiền – Khoa Công nghệ thông tin, Robot và Trí tuệ nhân tạo (FIRA); Đề tài “Khảo sát hiệu quả xử lý nước thải chế biến thủy sản bằng bể lọc sinh học giá thể bã mía” của sinh viên Nguyễn Bảo Trân – Khoa Công nghệ sinh học hay đề tài “Thiết kế thi công thiết bị theo dõi và hiển thị các thông số môi trường” của sinh viên Phạm Tuấn Thạnh thuộc Khoa Điện – Điện tử đã được nghiệm thu.

Sinh viên Khoa FIRA với mô hình “Hệ thống trồng rau thủy canh bằng phương pháp điều khiển quan trắc tự động và cảnh báo sớm đến người dùng”

Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn tận tình và tâm huyết của Lãnh đạo Khoa FIRA, vào cuối năm 2019, đề tài “Hệ thống trồng rau thủy canh bằng phương pháp điều khiển quan trắc tự động và cảnh báo sớm đến người dùng” của các bạn sinh viên của Khoa FIRA đã tham gia vòng Chung kết cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” do Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Dương tổ chức diễn ra tại Vũng Tàu.

Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học cho sinh viên các khóa của Khoa

Về lĩnh vực khoa học xã hội, tuy đây không phải là thế mạnh của Nhà trường với số lượng bài nghiên cứu khá khiêm tốn nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia thì hàm lượng khoa học trong mỗi đề tài của sinh viên là rất cao. Đơn cử như đề tài “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động năm 2012” của sinh viên Nguyễn Thành Long – Khoa Luật học; Đề tài “Chế định thử việc và những vấn đề cần hoàn thiện” của sinh viên Nguyễn Công Đức – Khoa Luật học.

Sinh viên Nguyễn Thành Long – Khoa Luật học, tác giả của đề tài “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động năm 2012” Trường Đại học Bình Dương chia sẻ: “Khi tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên sẽ rèn luyện được cho bản thân kỹ năng tư duy phản biện và tư duy phân tích tổng hợp. Trên thực tế, để thực hiện được các nghiên cứu bản thân sinh viên sẽ phải tìm, đọc và phân tích rất nhiều bài báo khoa học, tài liệu nghiên cứu. Với những hoạt động này, sinh viên sẽ có được sự chuẩn bị chu đáo và vững chãi để làm hành trang cho công việc sau này”.

Sinh viên Nguyễn Thành Long trình bày đề tài nghiên cứu của mình tại Hội thảo khoa học sinh viên lần I năm 2019 do Khoa Luật học Nhà trường tổ chức

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy và phát triển việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên Nhà trường ngày một vững mạnh cả về lượng lẫn chất, với vai trò là “người truyền lửa” cũng như là “người đưa đò” trong những năm qua cán bộ, giảng viên Trường Đại học Bình Dương ngoài nhiệm vụ chính trị là dạy học thì nhiều cán bộ đã tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và gặt hái được những thành công nhất định, tiêu biểu như vào tháng 7/2019 Khoa Công nghệ thông tin – Robot – Trí tuệ nhân tạo nhà trường đã xuất sắc giành giải Nhì trong cuộc thi “Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần thứ VIII” với đề tài “Ứng dụng bảo quản kho dược dựa trên kỹ thuật trí tuệ nhân tạo và công nghệ ra quyết định trong thời gian thực”. Đây là đề tài do thầy Hồ Hoàng Khánh Duy và thầy Nông Nguyễn Minh Thúy – Khoa FIRA thực hiện./.

Ban Biên tập