Tọa đàm “Nghề Luật sư ở Việt Nam – cơ hội và thách thức”

2018

Sáng 01/12, Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương đã tổ buổi Tọa đàm “Nghề Luật sư ở Việt Nam – cơ hội và thách thức” tại Nhà hát sinh viên, khu giảng đường A.

Đến dự có diễn giả LS. Huỳnh Tho – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc; LS. Hồ Mai Huy – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận; Ths.LS Thái Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương; Ths.LS Trần Thị Minh Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cùng toàn thể giảng viên, sinh viên Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương.

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã lần lượt chia sẻ thông tin xoay quanh ngành luật trong giai đoạn hiện nay cho sinh viên Khoa Luật học cũng như trả lời các câu hỏi đến từ Học viên lớp Luật sư; Cựu sinh viên Khoa Luật học và sinh viên Khoa Luật học tại Cà Mau, Bình Dương như: Vị trí vai trò Luật sư ở Việt Nam; Điều kiện trở thành Luật sư; Những khó khăn, thử thách trong thời gian hành nghề; Hoạt động luật sư trong lĩnh vực tranh tụng và tư vấn…

TS. LS Phan Thông Anh (bìa trái) chia sẻ tại chương trình

Chia sẻ về vị thế và vai trò của nghề luật trong giai đoạn hiện nay, TS. LS Phan Thông Anh – Trưởng khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương, Trưởng ban Tổ chức Tọa đàm cho biết: Không có giai đoạn nào trong lịch sử phát triển của đất nước trước đây, vị thế và vai trò của nghề luật sư lại được coi trọng như hiện nay. Có thể nói, đây là thời điểm mà xã hội Việt Nam đã dần nhìn nhận sát gần hơn đối với vai trò của nghề luật sư theo đúng chỗ đứng mà nghề này xứng đáng có được. Người dân ngày càng tìm đến luật sư như một nhu cầu thiết thân, số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ngày một phát triển, nền tư pháp nước nhà đã tạo điều kiện nhiều hơn để luật sư thể hiện tầm quan trọng của mình.

LS. Huỳnh Tho trả lời câu hỏi “Có nên theo nghề Luật sư tranh tụng hay không?” của sinh viên Khoa Luật học

Trả lời câu hỏi “Có nên theo nghề luật sư tranh tụng hay không?” của sinh viên Khoa Luật học, LS. Huỳnh Tho – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc cho hay: Có ý kiến cho rằng luật sư tranh tụng chỉ cần nắm chắc các quy định tố tụng, đây là quan niệm ngây ngô và hết sức sai lầm. Đương nhiên các quy trình, thủ tục tố tụng các luật sư tranh tụng sẽ nắm chắc hơn ai hết. Tuy nhiên để hoàn thành công việc có hiệu quả thì các luật sư phải nắm chắc luật nội dung, hiểu rõ bản chất của vấn đề từ đó mới có luận cứ bào chữa, mới có bài tranh luận xuất sắc.

LS. Hồ Mai Huy – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Ths. LS Trần Thị Minh Nguyệt chia sẻ với sinh viên tại buổi Tọa đàm

Ths. LS Trần Thị Minh Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước chia sẻ: Khi đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, người có nhu cầu trở thành luật sư phải tiếp tục đăng ký tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư như văn phòng luật, công ty luật. “Trường hợp không thỏa thuận được với các văn phòng luật, công ty luật về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu nơi tập sự”. Thời gian tập sự là 12 tháng; người hướng dẫn phải là người có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm luật sư và chỉ được hướng dẫn cùng lúc 3 người. Riêng người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, tiến sĩ ngành luật, giảng viên cao cấp trong ngành luật sẽ được miễn tập sự.

PGS.TS Lê Văn Cường (thứ 3, từ trái sang) – tặng hoa các diễn giả tại buổi Tọa đàm

Trải qua gần 4 tiếng, buổi Tọa đàm đã giúp các học viên, sinh viên Khoa Luật học Nhà trường trang bị cho bản thân thêm nhiều kiến thức trong lĩnh vực luật sư từ đó làm hành trang và động lực theo đuổi ước mơ và xây dựng lòng tin với nghề luật sư. Đồng thời, sinh viên và học viên cũng đã có dịp giao lưu với các luật sư hiện là ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc – Thành viên Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Ban Biên tập