Hội thảo “An toàn thông tin cho các hệ thống IoT”

1825

Sáng 15/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương; Sở Thông tin – Truyền thông Bình Dương; Hội Tin học tỉnh Bình Dương; Hiệp hội An toàn thông tin Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Cisco Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Bình Dương tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho các hệ thống IoT”.

Đến dự có Ông Nguyễn Xuân Ngàn – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương; Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội tin học Bình Dương; Ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Kỹ thuật và Đầu tư – VNPT Bình Dương; Ông Philip Hùng Cao – Tư vấn giải pháp Công nghệ của Palo Alto Networks Việt Nam, Cố vấn Cộng đồng Cloud Security Alliance cùng toàn thể đại diện các sở ban ngành cũng như giảng viên và sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Robot và Trí tuệ nhân tạo (FIRA) Trường Đại học Bình Dương.

PGS.TS Lê Văn Cường phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương nhiệt liệt hoan nghênh và gửi lời cám ơn chân thành đến lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tại tỉnh Bình Dương cũng như nhiều học giả, chuyên gia đến tham dự chương trình. Nhân dịp này, PGS.TS Lê Văn Cường đã chia sẻ đến Hội thảo về lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Bình Dương, đặc biệt các thông tin xoay quanh Khoa FIRA Nhà trường. Theo đó, “Khoa FIRA được thành lập vào tháng 3 năm 2019 với tiền thân là Khoa Công nghệ thông tin, một trong những nhiệm vụ trọng yếu, tiên quyết mà Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu xác định khi thành lập Khoa là đào tạo sinh viên, học viên theo hướng ứng dụng, dự án qua đây góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, AI và Robot cho tỉnh nhà trong đại Công nghệ 4.0”.

Ông Nguyễn Xuân Ngàn phát biểu tại chương trình

Ông Nguyễn Xuân Ngàn – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương cho biết: 40 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975), đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được rất nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nổi cộm một vấn đề gây nhiều thiệt hại đó chính là rò rỉ thông tin được thực hiện bởi tội phạm công nghệ cao. Những đối tượng này thường xuyên khai thác, xâm nhập vào các lỗ hỏng của hệ thống thông tin, hệ thống mạng nhằm vào mục đích phá hoại. Vì thế, việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin, hệ thống mạng, viễn thông tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp là nhiệm vụ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngành, cấp lãnh đạo. “Hy vọng rằng, hôm nay với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Hội thảo sẽ có những phân tích về các thực trạng còn tồn đọng khúc mắc trong lĩnh vực an toàn thông tin từ đó tìm ra những giải pháp mang tính đột phá cho bài toán nan giải này” – Ông Nguyễn Xuân Ngàn nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trình bày tham luận “Tổng quan về tình hình an toàn thông tin tỉnh Bình Dương, Luật An ninh mạng

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Kỹ thuật và Đầu tư – VNPT Bình Dương trình bày tham luận “Giám sát an ninh IoT

TS. Nguyễn Hoàng Sỹ trình bày tham luận “Ứng dụng thuật toán sâu trong bảo mật IoT

Ông Nguyễn Siêu Đẳng trình bày tham luận “IoT- nền tảng kết nối và bảo mật

Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đã lần lượt trình bày những bài tham luận của mình với nhiều chủ đề khác nhau, tiêu biểu như: Tham luận “Tổng quan về tình hình an toàn thông tin tỉnh Bình Dương, Luật An ninh mạng” của Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội tin học Bình Dương; tham luận “Bảo vệ an toàn hệ thống ICS/SCADA cho thành phố thông minh” của ông Philip Hùng Cao; tham luận “Giám sát an ninh IoT” của Ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Kỹ thuật và Đầu tư – VNPT Bình Dương; TS. Nguyễn Hoàng Sỹ – Trưởng khoa FIRA Nhà trường với tham luận “Ứng dụng thuật toán sâu trong bảo mật IoT”; Ông Nguyễn Siêu Đẳng – Giám đốc Đào tạo FPT Coking & Jetking với tham luận “IoT- nền tảng kết nối và bảo mật”…

Ông Philip Hùng Cao chia sẻ về tham luận của mình

Chia sẻ về tham luận của mình, ông Philip Hùng Cao cho hay: Trước đây, các cuộc tấn công vào những hệ thống ICS thường ít phổ biến và sự xuất hiện của các phần mềm độc hại nhắm vào ICS cũng rất hiếm. Tuy nhiên, cùng với sự phổ biến của IoT, các hệ thống ICS không còn vận hành cô lập nữa và ICS trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với tội phạm mạng. Do đó, một phương pháp mới để bảo vệ ICS là cần thiết, “giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dựa vào phân tích dữ liệu mạng, ít tốn kém hơn so với việc triển khai các công cụ bảo mật khác, đồng thời không yêu cầu cập nhật hoặc cài đặt nhiều phần mềm phức tạp trên các hệ thống cũ”.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ban Biên tập