Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường 2019

2767

Sáng 4/9, Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường cho giảng viên Khoa Công nghệ sinh học tại phòng họp A2, khu giảng đường A.

Trong đợt này có 2 đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Nhà trường được nghiệm thu, lần lượt là: Đề tài “Nghiên cứu sản xuất Brandy từ nguyên liệu trái mít và nấm linh chi” của TS. Hoàng Ngọc Cương – Phó Trưởng khoa thường trực Khoa Công nghệ sinh học và đề tài “Tạo dòng và biểu hiện Nisin tái tổ hợp trong tế bào Escherichia coli” của ThS. Lê Thị Kim Phượng – Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học.

ThS. Lê Thị Kim Phượng trình bày đề tài nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Tham dự Hội đồng nghiệm thu có TS. Vũ Thanh Thảo – Trường Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; TS. Nguyễn Thái Hoan – Phòng Quản lý Khoa học và Quan hệ đối ngoại Trường Đại học Bình Dương (PQLKH&QHĐN) làm phản biện 1; TS. Huỳnh Văn Biết – Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh làm phản biện 2; TS. Lê Thị Trúc Linh – Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh làm Ủy viên; ThS. Hà Hoàng Hiếu – PQLKH&QHĐN Trường Đại học Bình Dương làm Thư ký.

Tại chương trình, TS. Hoàng Ngọc Cương và ThS. Lê Thị Kim Phượng đã lần lượt trình bày đề tài nghiên cứu của mình cũng như trả lời các câu hỏi chất vấn từ Hội đồng nghiệm thu. TS. Hoàng Ngọc Cương cho biết: Rượu Brandy là loại rượu có độ cồn từ 40-60% ethanol được sản xuất bằng cách chưng cất dịch lên men từ một số loại trái cây nhờ chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae, sau quá trình ủ tùy vào từng nguyên liệu mà sẽ cho ra các sản phẩm có hương vị đặc trưng. Tận dụng nguồn nguyên liệu trái mít có sẵn tại tỉnh Bình Dương tác giả đã tiến hành nghiên cứu sản xuất rượu Brandy từ trái mít mang thương hiệu Trường Đại học Bình Dương qua đây giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường rượu trong nước.

TS. Hoàng Ngọc Cương chia sẻ về công đoạn chưng cất trong quy trình sản xuất rượu Brandy 

TS. Hoàng Ngọc Cương nhấn mạnh “…Thành phần tạp chất và chất lượng cảm quan là hai tiêu chí quan trọng bậc nhất để đánh giá chất lượng của một loại rượu. Trong quy trình sản xuất rượu thông thường, sau công đoạn lên men người ta thường chỉ chưng cất một lần để loại bỏ các thành phần tạp chất. Tuy nhiên trong đề tài này, tôi đã tiến hành chưng cất hai lần để loại bỏ tối đa các tạp chất từ đó đem lại chất lượng rượu tốt nhất…”.

Phát biểu xoay quanh về đề tài nghiên cứu của mình, ThS. Lê Thị Kim Phượng cho hay: “Nisin là một peptide tự nhiên, có khả năng kháng vi sinh vật gây bệnh và gây hỏng thực phẩm, hiện nay nisin đã và đang được sử dụng trong bảo quản thực phẩm ở gần 50 quốc gia trên thế giới. Với mong muốn chủ động sản xuất và sử dụng nisin tại Việt Nam bằng việc áp dụng kỹ thuật di truyền để sản xuất nisin tái tổ hợp và biểu hiện trong hệ thống tế bào E. Coli tôi đã suy nghĩ, nghiên cứu để thực hiện đề tài này”.

TS. Lê Thị Trúc Linh (bìa trái) đóng góp ý kiến về đề tài của TS. Hoàng Ngọc Cương

Chia sẻ ý kiến xoay quanh đề tài nghiên cứu, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý tưởng cũng như tính thực tiễn và hàm lượng kiến thức khoa học về đề tài nghiên cứu của 2 giảng viên Khoa Công nghệ sinh học trong đợt này. Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã họp bàn và thống nhất thông qua đề tài của 2 giảng viên.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

Ban Biên tập