Ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Bình Dương

3040

Trong đợt tuyển sinh năm 2019, Luật Kinh tế là một trong những ngành học được nhiều thí sinh quan tâm. Những câu hỏi như: Ngành Luật kinh tế là gì? Ra trường làm gì? Làm lương bao nhiêu?… là câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm. Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Bình Dương sẽ thông tin đến bạn các thông tin về ngành học đầy thú vị nhưng vô cùng hấp dẫn này nhé

Lịch sử hình thành ngành Luật Kinh tế tại Đại học Bình Dương

Khoa Luật được thành lập theo Quyết định số 241/QĐ-ĐHBD ngày 26/8/2009, Khoa được cho phép đào tạo bậc đại học chính quy từ năm học 2013 theo Quyết định số 1007/QĐ-BGDĐT ngày 21/3/2013 cho phép mở ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật kinh tế, mã số 52380107. Khoa được cho phép đào tạo bậc đại học từ từ xa năm học 2013 theo Quyết định số 1089/QĐ-BGDĐT ngày 27/3/2014 cho phép mở ngành đào tạo từ xa trình độ đại học ngành Luật kinh tế, mã số 52380107.

Khoa Luật học có gần 80 giảng viên vững kiến thức chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn gồm: 01 Tiến sĩ, 04 Nghiên cứu sinh, gần 50 Thạc sĩ, 10 Học viên cao học và 10 Cử nhân.

Ngành Luật Kinh tế là gì?

Luật kinh tế là ngành học thừa hưởng nền tảng từ luật học kết hợp với kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Luật Kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của Nhà nước và trong quá trình sản xuất giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.

Sinh viên ngành Luật Kinh tế Nhà trường tham gia Phiên tọa giả định để nâng cao kiến thức

Ngành Luật Kinh tế, học những gì?

Khi trở thành sinh viên ngành Luật Kinh tế, bạn sẽ được trang bị và bổ sung các kiến thức cơ bản về luật học, kiến thức chuyên sâu về pháp luật trong kinh doanh, đủ khả năng tiếp cận và xử lý những vấn đề trong thực tiễn hoạt động kinh doanh và quản lý Nhà nước về kinh tế. Ngoài ra, bạn còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, CLB học thuật… để trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khỏe.

Học ngành Luật Kinh tế ra trường làm gì?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có thể làm việc ở doanh nghiệp với tư cách là chuyên viên pháp lý phụ trách những công việc liên quan đến đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, đề xuất giải pháp xử lý tình huống pháp lý trong kinh doanh; phụ trách các công việc liên quan đến pháp luật và kinh tế trong các cơ quan Nhà nước (Cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp), trong các tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội; làm việc tại các trung tâm tư vấn trong lĩnh vực kinh tế và pháp luật; làm chuyên viên tư vấn, nhân viên các tổ chức, cơ quan Nhà nước, các trung tâm tư vấn pháp luật.

Sinh viên tham gia CLB tiếng Anh pháp lý để trau dồi khả năng tiếng Anh chuyên ngành

Nâng cao trình độ sau khi ra trường: Có khả năng tự học và nghiên cứu để nâng cao trình độ. Tiếp tục học các chương trình đào tạo sau đại học để nhận bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ… Tham gia các khóa đào tạo, hội thảo có liên quan để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Phương thức xét tuyển ngành Luật Kinh tế tại Đại học Bình Dương

Trong năm 2019, Trường Đại học Bình Dương xét tuyển ngành Luật Kinh tế với những phương thức sau:

Phương án 1: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Phương án 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm 10,11,12 (xét theo học bạ THPT)

Phương án 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp 12.

Phương án 4: Xét tuyển dựa vào điểm Max (THPT Quốc gia; Lớp 12; Trung bình lớp 10,11,12) (lưu ý: phải cùng tổ hợp xét tuyển).

Phương án 5: Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ hợp môn xét tuyển ngành Luật Kinh tế gồm: A00 (Toán, Lý và Hóa) A01 (Toán, Lý và Tiếng Anh), C00 (Ngữ văn, Sử và Địa lý), D01 (Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh).

Sinh viên ngành Luật Kinh tế Nhà trường tốt nghiệp ra trường

Ban Biên tập