Xuất quân chiến dịch mùa hè xanh tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước

1818

Sáng 05/7, hơn 20 bạn sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh (MHX) Trường Đại học Bình Dương đã chính thức bước vào chiến dịch tình nguyện hè 2019 từ ngày 05/7 – 13/7 tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước.

Các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Nhà trường sắp xếp hành lí trước khi xuất phát

Theo kế hoạch, các bạn sinh viên tình nguyện sẽ phối hợp với thanh niên địa phương, dưới sự chỉ đạo của huyện đoàn Bù Gia Mập tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm cây cỏ quanh các đường nông thôn, tham gia tổ chức tuyên truyền về bảo hiểm y tế và an toàn giao thông, tham gia tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em tại địa phương.

Đặc biệt năm nay, Đoàn trường Đại học Bình Dương đã tổ chức quyên góp 1000 cuốn truyện tranh, tập trắng cho các em thiếu nhi tại các điểm trường tiểu học trên địa bàn huyện Bù Gia Mập; Hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa chữa và xây dựng mới khu vui chơi và trao 30 triệu đồng công trình thanh niên “Nhà nhân ái” cho 1 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Đại học Bình Dương trao tặng các phần quà cho đơn vị bạn

Phát biểu tại Lễ đón nhận sinh viên tình nguyện, Đ/c Nguyễn Ngọc Khanh – Bí thư Đoàn trường Đại học Bình Dương thay mặt Ban Lãnh đạo Nhà trường gửi lời cảm ơn đến Tỉnh đoàn Bình Phước, các cấp chính quyền huyện Bù Gia Mập và chính quyền các xã trong huyện đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn trường Đại học Bình Dương được tổ chức chiến dịch MHX tại huyện. Đồng chí Ngọc Khanh mong muốn các bạn sinh viên sẽ nỗ lực hoàn thành tốt các công việc được giao, qua đó, góp phần nhỏ của tuổi trẻ Bình Dương trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Đ/c Nguyễn Ngọc Khanh phát biểu tại chương trình

Năm 2019 là năm đầu tiên các chiến sĩ tình nguyện MHX Trường Đại học Bình Dương đến với vùng đất Bù Gia Mập. Huyện Bù Gia Mập được thành lập ngày 11/8/2009 trên cơ sở phần còn lại của huyện Phước Long cũ, sau khi thành lập thị xã Phước Long. Huyện rộng 1736,129km2, gồm 147.967 dân (thời điểm thành lập huyện), có 18 đơn vị hành chính trực thuộc. Trong đó xã Bù Gia Mập 13.499 ha và xã Đắk Ơ 19.501 ha. Có khoảng 2.400 hộ, 12.000 người sống trong vùng đệm, đặc biệt, dân tộc bản địa Stiêng, Mnông chiếm gần 60%.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Theo các nhà ngôn ngữ học, Bù Gia Mập – tên một huyện của tỉnh Bình Phước, có thể do hai từ Bù Gia và Bù Mấp trong ngôn ngữ của cư dân người Stiêng, chiếm số lượng lớn nhất vùng này gộp lại, trong đó “gia” có nghĩa cỏ tranh và “mấp” là gặp gỡ.

Bù Gia Mập rất nổi tiếng với Vườn quốc gia cùng tên rộng hơn 26.000ha, nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật và cây thuốc. Huyện Bù Gia Mập có một xã cũng mang tên Bù Gia Mập, nhưng “cái rốn Bù Gia Mập” không ở trung tâm, mà ở biên giới.

Ban Biên tập