“Thực hiện Hợp đồng lao động, thực trạng và giải pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương”

4400

Đó chính là chủ đề trong Hội thảo khoa học sinh viên Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương lần II năm 2019 diễn ra vào sáng 2/7, tại Nhà hát sinh viên, khu giảng đường A.

TS.LS Phan Thông Anh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Luật sư Phan Thông Anh – Trưởng khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương chia sẻ “… Nếu như ở lần Hội thảo đầu tiên, giảng viên của Khoa sẽ cùng trình bày tham luận với các em sinh viên thì đến Hội thảo lần thứ II này, Khoa chủ trương sẽ không cho giảng viên tham luận mà chỉ dành sân chơi này cho chính các em. Đây là sân chơi có tính học thuật cao. Sinh viên sẽ được thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu về kiến thức chuyên ngành thông qua các đề tài do mình thực hiện dưới sự định hướng, hiệu chỉnh của giảng viên trong Khoa…”.

Sinh viên trình bày về đề tài nghiên cứu của mình tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đã có 8 bài tham luận được sinh viên của Khoa trình bày với nhiều đề tài khác nhau như: “Chế định thử việc và những vấn đề cần hoàn thiện” của sinh viên Nguyễn Công Đức; Sinh viên Nguyễn Hồ Vũ với đề tài “Tình hình thực hiện hợp đồng lao động tại tỉnh Bình Dương, những biện pháp nâng cao chất lượng lao động”; “Điều kiện để chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động” của sinh viên Nguyên Thị Tường Quy; Sinh viên Trần Trọng Khương với đề tài “Thực trạng lao động nữ hiện nay và giải pháp dành cho lao động nữ” và “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động năm 2012” của sinh viên Nguyễn Thành Long…

Ban Chủ tọa nhận xét về nội dung của các đề tài

Trong đó, nhiều đề tài đã được Ban Chủ tọa, giảng viên trong Khoa đánh giá cao về tính thực tiễn cũng như đang là điểm nóng được xã hội quan tâm, tiêu biểu như đề tài “Lao động chưa thành niên trong pháp luật lao động Việt Nam” của sinh viên Nguyễn Nhật Anh.

Sinh viên Nguyễn Nhật Anh cho biết: “…Người lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi được quy định tại điều 161 Bộ luật Lao động năm 2012. Việc họ tham gia vào các quá trình lao động trong xã hội được Nhà nước ta công nhận, nhưng năng lực về thể chất, trí tuệ bị hạn chế dẫn đến thực trạng là sự thiếu hiểu biết về quyền lợi của mình mà người lao động chưa thành niên đã và đang bị sử dụng một cách không đúng với các quy định của pháp luật đưa ra…”.

Sinh viên đặt câu hỏi cho tác giả của đề tài

Hay đề  tài “Bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động trong đơn phương chấm dứt hợp đồng” của sinh viên Lê Tấn Tài. Tác giả đề tài chia sẻ: Quan sát và nhìn nhận pháp luật Việt Nam nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng về cơ bản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho việc bảo về quyền lợi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền lợi của thế yếu là người lao động vẫn đang được pháp luật Việt Nam ưu tiên và quan tâm hơn. Em hy vọng pháp luật trong tương lai sẽ xem xét lại, công tâm trong việc ban hành các văn bản quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng, sâu sắc hơn về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ theo hướng dân chủ, công bằng và văn minh.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Giảng viên của Khoa tặng sách cho các sinh viên có bài tham luận trong Hội thảo

Chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc Hội thảo

Ban Biên tập