Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức được thông qua

1371

Sáng ngày 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự đồng thuận của hơn 90% số lượng đại biểu có mặt, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật này. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có chuyên trách nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của những đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết (nguồn: TTXVN)

Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương với 119 điều. Trong đó, một số nội dung cơ bản, quan trọng đã được chỉnh lý, như: Triết lý giáo dục; các loại cơ sở giáo dục; sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục,…

Liên quan đến việc liên thông giữa những cấp học, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung nguyên tắc quy định việc liên thông bao gồm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Bên cạnh đó, xét thấy nguyên tắc liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể về Khung trình độ quốc gia Việt Nam và quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.

Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi. Cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật…

Kết quả biểu quyết toàn bộ Dự án Luật (nguồn: Báo GDTĐ)

Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Luật quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phát triển giáo dục, Luật quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.

Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.

Liên quan đến việc đề nghị giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, cho phép thành lập hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, dự thảo Luật tại Điều 112 đã giao Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tiêu chí cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ GDĐT, thực hiện thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Ban Biên tập