Đại học Mở Bán công Tp. Hồ Chí Minh và những giá trị để lại

9613

ĐẠI HỌC MỞ BÁN CÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐỂ LẠI SAU 29 NĂM NHÌN LẠI (1990 – 2019)

GS.VS Cao Văn Phường

 Viện Những vấn đề về Giáo dục Trường Đại học Bình Dương

LỜI GIỚI THIỆU

Xây dựng nền giáo dục mở, xã hội hóa giáo dục, tự chủ đại học là chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cách đây 29 năm, ngày 15 tháng 6 năm 1990, thực hiện chủ trương đổi mới các hoạt động kinh tế – xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 451/TCCB thành lập Viện Đào tạo Mở rộng với hai thử nghiệm: Đào tạo mở và xây dựng cơ sở giáo dục đại học tự hạch toán.

Qua 3 năm thử nghiệm, ngày 26 tháng 7 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 389/TTg cho phép thành lập Đại học Mở Bán công trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM).

Đây là trường đại học mở tự hạch toán đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng thông qua con đường xã hội hóa, đây là những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Nhằm cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, Viện những Vấn đề về giáo dục Trường Đại học Bình Dương xin trân trọng giới thiệu bài viết “Đại học Mở Bán công Tp.HCM và những giá trị để lại” của Giáo sư Viện sĩ Cao Văn Phường thành viên sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Bán công Tp.HCM, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

LỜI MỞ

Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM là mô hình thử nghiệm của ngành Giáo dục, xây dựng đại học mở, tự hạch toán. Sự thành công của mô hình đã tạo tiền đề cho sự hình thành phân hệ đại học, cao đẳng ngoài công lập vào những năm 90 thế kỷ XX.

Quá trình xây dựng và phát triển Đại học Mở Bán công Tp.HCM là sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện bằng sự tạo “Cơ chế tự chủ” và hàng loạt những quyết định ban hành liên tiếp trong thời gian ngắn cuối năm 1990 nhằm tạo thế và nâng cấp Viện Đào tạo mở rộng, “Cơ chế tự chủ” đã cho phép Viện Đào tạo Mở rộng, Đại học Mở vượt qua những khó khăn trở ngại để xây dựng bộ máy tổ chức, thu hút nhân tài, hình thành các chương trình mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế…tạo điều kiện để các hoạt động của Nhà trường gắn liền với cuộc sống thực tế xã hội trong điều kiện không có cơ sở vật chất, không có bộ máy tổ chức, không có ngân sách nhà nước cấp.

29 năm, khoảng thời gian không dài với lịch sử, nhưng với con người là khoảng thời gian đủ để chúng ta xem xét lại những giá trị Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM để lại cho ngành Giáo dục. Những việc làm và kết quả hoạt động của Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM thu được tôi đã giới thiệu trong hai quyển hồi ký “Đã từng có một Đại học Mở như vậy” và “Hành trình đến nền giáo dục mở” do Nhà xuất bản Văn học giới thiệu năm 2010 và năm 2015 và đã được Tạp chí Giáo dục và Xã hội giới thiệu đến bạn đọc.

Lịch sử hình thành và phát triển Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp. HCM trong những năm 1990 – 1995 dù đã trải qua hơn 29 năm nhưng vẫn còn mới đó để chúng ta nhìn lại, xem xét một cách khách quan những giá trị của nó để lại cho ngành Giáo dục đại học, những vấn đề cho đến nay xã hội vẫn tiếp tục quan tâm.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Viện Đào tạo Mở rộng, tiền thân của Đại học Mở Bán công Tp. HCM ngày 15/6/1990 – 15/6/2019, là người trực tiếp đứng ra tổ chức xây dựng Viện Đào tạo Mở rộng, Đại học Mở Bán công Tp. HCM, tôi xin gửi đến bạn đọc: “Đại học Mở Bán công TP. HCM và những giá trị để lại”.

1. Câu chuyện về tự chủ đại học

Ngày 17 tháng 3 năm 1990, lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) do Thứ trưởng Trần Chí Đáo và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Trần Đình Chân đến làm việc với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ về việc điều tiến sĩ Cao Văn Phường về Tp.HCM để xây dựng “Đại học Nhân dân”.

Tại buổi làm việc, tôi đề nghị lãnh đạo Bộ cho biết quyền hạn của Hiệu trưởng Đại học Nhân dân đến đâu? Thứ trưởng Trần Chí Đáo cho biết: “Đây là trường đại học thử nghiệm về đào tạo mở và tự hạch toán nên Nhà trường được “Toàn quyền””.

Để khẳng định và hiểu rõ về “Toàn quyền”, tôi lập lại ý kiến của lãnh đạo Bộ theo cách nói của mình với lãnh đạo Bộ: “Như vậy, Bộ cho phép Nhà trường chủ động nghiên cứu điều chỉnh hoặc xây dựng mới mục tiêu, chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, trường được chủ động tuyển chọn cán bộ, xây dựng bộ máy, tự chủ về tài chính phần kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước cấp, chủ động ký kết các chương trình hợp tác quốc tế…”. Thứ trưởng Trần Chí Đáo xác nhận và cho biết thêm: “Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí ban đầu cho trường, sau đó trường tự lo…”.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao quyền “Tự chủ” cho cơ sở giáo dục đại học, tuy chưa phải là văn bản pháp quy nhưng đây là chỗ dựa để sau này Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM kiến tạo nên mô hình Đại học Mở tự hạch toán đầu tiên, tạo tiền đề cho sự hình thành Phân hệ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập từ những năm 1994.

2. Thực thi “Quyền tự chủ”

Trường Đại học là cơ sở giáo dục, khoa học công nghệ, là nơi huy tụ các nhà khoa học có năng lực giảng dạy, nghiên cứu nhiều lĩnh vực để đào tạo ra những chuyên gia sáng tạo khoa học công nghệ, có khả năng tiếp nhận khai thác công nghệ giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Để làm được điều đó các trường đại học phải được quyền tự chủ để tạo ra không gian tự do – dân chủ – sáng tạo, tạo thế chủ động cho các nhà khoa học phát huy sáng tạo trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ. Việc lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền “Tự chủ” cho Đại học Nhân dân sau này là Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM là việc làm sáng suốt, thể hiện quyết tâm đổi mới, xây dựng mô hình giáo dục kiểu mới: “Đại học mở – Tự hạch toán”. Thực thi quyền tự chủ, ngay từ những ngày đầu Viện Đào tạo Mở rộng đã nghiên cứu kế hoạch tổng thể, xác định sứ mệnh, vị thế, triết lý, mục tiêu, nội dung, cơ chế vận hành để xây dựng Đại học mở với mục tiêu: “Mở để học, học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở”.

Sự khác biệt giữa Đại học mở và các Đại học truyền thống trên hai phương diện, thực hiện chính sách mở trong giáo dục, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người có thể học tập bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi nào. Đại học mở hoạt động theo cơ chế tự hạch toán với tôn chỉ mục đích:

“Cổ vũ tinh thần ham học hỏi

Đề cao khả năng tự đào tạo

Dấn thân vì sự nghiệp nâng cao dân trí

Đào tạo nhân lực

Bồi dưỡng nhân tài

Vì nước Việt Nam phát triển”.

Quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người có quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục.

Mục tiêu đào tạo chung của trường là đào tạo cử nhân, kỹ sư thực hành đa lĩnh vực, đa hệ, đa cấp.

Cơ chế hoạt động: Nhà trường tổ chức hoạt động theo cơ chế tự hạch toán, phân cấp quản lý thông qua cơ chế khoán quản cho các đơn vị đào tạo. Nhà trường chủ động xây dựng bộ máy tổ chức thông qua các hợp đồng lao động với tất cả cán bộ nhân viên, xây dựng các chương trình mục tiêu đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Phương pháp đào tạo: Phương pháp giáo dục của Nhà trường thông qua “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc: Học – Hỏi – Hiểu – Hành.

2.1. Quyền tự chủ cho phép Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM thiết kế nhiều mục tiêu chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội

Năm 1992, Hội nghị chuyên đề cải tổ nền Giáo dục Đại học Việt Nam. Từ trái sang: GS.TS Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, GS.TS Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Cao Văn Phường phát biểu

Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Anh ngữ, Phụ Nữ học, Công thôn, Đông Nam Á học; Chuyển chương trình đào tạo niên chế sang chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thực hiện dân chủ trong đào tạo cho phép người học tự lựa chọn các mô đun đào tạo theo nhu cầu, cho phép người học lập kế hoạch học tập phù hợp với hoàn cảnh làm việc và sinh hoạt.

Những ngành học mới là những ngành chưa có mã số theo quy định, đặc biệt những ngành như Quản trị Kinh doanh, sự ra đời của ngành Quản trị Kinh doanh có nhiều ý kiến khác nhau, Nhà trường phải vượt qua nhiều áp lực, nhờ sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo Bộ nên ngành được tổ chức giảng dạy thu hút trên 15.000 sinh viên (SV) theo học đã góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực để Việt Nam hòa nhập vào nền kinh tế thị trường.

Tiếng Anh, Tin học, Quản trị học tạo nên công thức “3B” ba biết: Tiếng Anh, Tin học, Quản trị học, như là công cụ để SV lập nghiệp và tìm việc làm. Tất cả chương trình mục tiêu của các ngành đều phải đưa công thức “3B”, tiếng Anh 24 tín chỉ, tin học & Quản trị học 12 tín chỉ vào chương trình ngoài các tín chỉ chuyên ngành.

Ngành Phụ nữ học với mục tiêu đào tạo Phụ nữ là nhà giáo dục, phụ nữ là bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phụ nữ là quản trị kết hợp với công thức “3B”, ngành Phụ nữ học thu hút rất nhiều học viên theo học, trong đó có nhiều sư sãi, những cán bộ làm công tác xã hội, những người tốt nghiệp sau này đã góp phần tích cực xây dựng các tổ chức công tác xã hội.

Báo chí học là khoa học tập hợp thông tin, xử lý thông tin và truyền thông bằng nhiều phương pháp khác nhau, những cử nhân Báo Chí học là những cán bộ rất cần cho các công ty, xí nghiệp, giúp cho lãnh đạo tiếp cận và quảng bá hình ảnh của công ty với xã hội, tháo gỡ, điều chỉnh những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến công ty, tổ chức.

Công thôn Công nghiệp phát triển, Nông thôn được xây dựng liên ngành Cơ khí Nông nghiệp, điện khí hóa Nông nghiệp, Thủy nông, xây dựng cầu giao thông Nông thôn. Giai đoạn I, SV Công thôn học chương trình cơ bản và các môn cơ sở, giai đoạn II học các chuyên ngành. Ngành học Công thôn nhằm chuẩn bị cán bộ tham gia xây dựng phát triển Nông thôn, ngành Công thôn được xây dựng theo quan điểm liên ngành, ngành này ngay từ những năm đầu có gần 3.000 SV theo học.

2.2. Quyền tự chủ tuyển chọn cán bộ, xây dựng bộ máy tổ chức

Xây dựng Đại học Mở Bán công Tp.HCM trong điều kiện không có đội ngũ cán bộ, không kinh phí, không có cơ sở vật tư kỹ thuật, việc lãnh đạo trao quyền tự chủ cho phép Viện huy tụ được nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, có trình độ khoa học tham gia vào công việc của Viện thông qua con đường khoán quản, hợp đồng lao động với người lao động.

Khoán quản là hình thức phân cấp quản lý cho các đơn vị đào tạo cấp khoa, cho các trưởng khoa, cho các đơn vị chủ động phát huy sáng tạo, nâng cao chất lượng. Trường tuyển chọn Trưởng khoa theo tiêu chí sau:

– Trưởng khoa phải là người có trình độ chuyên môn cao, am hiểu khoa học, có khả năng tổ chức quản lý đào tạo (Không nhất thiết phải có học hàm học vị cao).

– Là người có khả năng huy tụ các nhà khoa học tham gia vào công tác đào tạo, nghiên cứu.

Trưởng khoa có nhiệm vụ, quyền hạn:

– Trưởng khoa là người chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng tổ chức lãnh đạo Hội đồng Khoa học và Đào tạo khoa, nghiên cứu xây dựng chương trình mục tiêu, nội dung đào tạo, tổ chức công tác khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực khoa quản lý.

– Trưởng khoa giới thiệu để Nhà trường ký hợp đồng lao động với các phó khoa, trợ lý khoa; Trưởng khoa ký hợp đồng lao động với các giảng viên và nhân viên sau khi thỏa thuận bằng văn bản với Hiệu trưởng.

– Trưởng khoa chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Viện trưởng, tổ chức triển khai chương trình đào tạo, công tác khoa học công nghệ đã được Hiệu trưởng phê duyệt (tổ chức tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, quản lý sinh viên…).

Về phía Nhà trường chịu trách nhiệm tư cách pháp nhân về việc thành lập khoa và chương trình đào tạo được Hiệu trưởng phê duyệt:

– Nhà trường đảm bảo cơ sở trường lớp.

– Nhà trường chi trả lương cho Trưởng khoa và 3-5 cán bộ quản lý khoa theo thỏa thuận giữa Trưởng khoa và Hiệu trưởng.

– Chịu trách nhiệm thủ tục cấp văn bằng cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Về tài chính được phân cấp quản lý theo tỷ lệ % để lại cho Nhà trường, phần còn lại cho khoa quản lý được tính thành 100% để khoa chi tiêu theo tỷ lệ:

– 10% chi điều hành cho Trưởng khoa.

– 50% chi trả cho giảng viên giảng dạy và phục vụ giảng dạy.

– 20% chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị.

– 10% chi cho các hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

– 5% chi cho nghiên cứu khoa học.

– 5% chi dự phòng.

Nhờ giao quyền chủ động xây dựng bộ máy và tuyển dụng đội ngũ cán bộ theo cơ chế hợp đồng khoán quản, trong thời gian ngắn Nhà trường đã huy tụ trên 700 cán bộ khoa học và đã tổ chức Nhà trường gồm: 11 khoa, 11 phòng chức năng, trung tâm.

2.3. Quyền tự chủ cho phép Nhà trường chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước

Chương trình mục tiêu đào tạo của Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công Tp.HCM luôn được cập nhật, một số chương trình đào tạo được đại học các nước chấp nhận và cho phép chuyển đổi các tín chỉ là nhờ mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Từ năm 1990, Nhà trường đã hợp tác với Viện ngôn ngữ mùa hè (Hoa Kỳ) tổ chức triển khai chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho Khoa Anh ngữ.

Năm 1992, Nhà trường đã ký kết chương trình hợp tác với Canada, Chính phủ Canada hỗ trợ cho Viện 3 chương trình: Cử chuyên gia giúp Viện nghiên cứu chuyển đổi tất cả các chương trình đào tạo của Viện theo chuẩn mực quốc tế và đào tạo theo hệ thống tín chỉ; Giúp Viện nghiên cứu hoàn thiện chương trình đào tạo Phụ Nữ học; Nghiên cứu xây dựng học liệu cho chương trình đào tạo từ xa với số kinh phí 210.000 USD.

Tháng 6 năm 1992, phía Canada cử nhiều chuyên gia sang giúp Viện tổ chức triển khai chuyển đổi chương trình đào tạo niên chế của Viện sang chương trình thiết kế theo hệ thống tín chỉ, thiết kế bài giảng cho chương trình đào tạo từ xa, ngành Phụ Nữ học.

Ngày 08 tháng 02 năm 1995, Nguyên Tổng Bí thư – Cố vấn BCH Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh phát biểu tại buổi lễ khai giảng lớp MBA Việt – Bỉ khóa I Trường Đại học Mở – Bán công Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1994, Viện ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo MBA với Đại học tự do Vương quốc Bỉ, chương trình đào tạo được triển khai 50/50: 50% giảng viên giảng dạy từ Đại học tự do Vương quốc Bỉ cử sang, 50% giảng viên Đại học Mở Bán công giảng các môn theo quy định của Việt Nam và một số môn theo chương trình do phía Bỉ đề nghị. Những giảng viên này là người Việt Nam nhưng phía bạn tuyển chọn ký hợp đồng, văn bằng do Hiệu trưởng Đại học tự do Vương quốc Bỉ và Đại học Mở Bán công cùng ký cấp.

Năm 1995, trường ký kết hợp tác với Đại học Aix – Marseille Pháp. Đại học Aix – Marseille hỗ trợ cho Khoa Luật, Đại học Mở Bán công hoàn thiện chương trình luật theo tiêu chuẩn quốc tế, cử người sang tham gia giảng dạy và xây dựng học liệu cho chương trình đào tạo từ xa.

Thông qua các chương trình hợp tác, hầu hết các khoa đều có chuyên gia đến từ các trường đại học các nước đến tham gia đào tạo, nhờ vậy chất lượng đào tạo của Đại học Mở Bán công Tp.HCM ngày càng được nâng cao, chương trình đào tạo của trường được các bạn công nhận và cho phép chuyển đổi các tín chỉ học tập của SV.

2.4. Quyền tự chủ cho phép các hoạt động của Nhà trường gắn kết với các hoạt động xã hội

Bên cạnh những lớp đào tạo chính quy, Viện tổ chức nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho đồng bào dân tộc.

Từ năm 1991 đến năm 1995, Nhà trường đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức và chuyển giao công nghệ cho 900 sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Ninh Thuận. Tại hội thảo đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc, tháng 12 năm 1992, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến dự và phát biểu đánh giá cao việc làm của Đại học Mở Bán công Tp. HCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nguyên Tổng Bí thư, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Kinh tế – Văn hóa Chăm tổ chức 12/1992

2.5. Quyền tự chủ cho phép Nhà trường chủ động đầu tư xây dựng cơ sở vật tư kỹ thuật

Viện Đào tạo Mở rộng Tp.HCM nhận bàn giao từ phân hiệu Trường Cán bộ Quản lý với 13 nhân sự và 20 phòng trọ nhà cấp IV và một số phòng làm việc trên diện tích 2.400m2, Nhà trường đầu tư sửa chữa nâng cấp thành các lớp học. Số lượng sinh viên ngày càng đông, cơ sở vật chất trường lớp là nỗi lo thường xuyên của lãnh đạo Nhà trường.

Ngày 27 tháng 5 năm 1992, Đồng chí Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé và TS. Cao Văn Phường trong chương trình giúp đồng bào thiểu số định canh định cư tại Bù Đăng

Ngày 25 tháng 3 năm 1992, Anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết), Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé và chị Út Lan, Phó Chủ tịch tỉnh ghé thăm Viện, thấy khuôn viên chật hẹp, học sinh quá đông, anh Sáu rất thông cảm. Nhân cơ hội này, tôi ngỏ lời nhờ lãnh đạo tỉnh Sông Bé nghiên cứu hỗ trợ Viện quỹ đất để xây dựng Phân hiệu. Đồng chí Nguyễn Minh Triết vui vẻ đề nghị chị Út Lan về bàn với Ủy ban về ý kiến của Viện.

Tháng 5 năm 1992, Ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé do đồng chí Ba Khanh – Chủ tịch và đồng chí Út Lan – Phó Chủ tịch cùng các sở, ban, ngành tiếp và làm việc với lãnh đạo Viện. Hội nghị nhất trí giao khu đất Sở Lâm nghiệp tại phường Phú Lợi cho Viện để xây dựng Phân hiệu Đào tạo Mở rộng Sông Bé, Viện bồi hoàn cơ sở vật chất cho Sở Lâm nghiệp.

Tháng 5 năm 1992, Viện quyết định thành lập Phân hiệu Đào tạo Mở rộng Sông Bé có trụ sở tại Sở Lâm nghiệp. Đây là cơ sở giáo dục đại học tự hạch toán đầu tiên được thành lập tại tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).

Trụ sở của Viện tại 97 Võ Văn Tần không thể mở rộng phát triển thành đại học với quy mô lớn. Vì vậy, tháng 3 năm 1993, Viện làm việc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV đề nghị giúp đỡ. Sau khi xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, ngày 16 tháng 10 năm 1993, Tư lệnh Quân đoàn đã ký thỏa thuận với lãnh đạo Đại học Mở Bán công, đồng ý chuyển nhượng 34 ha đất tại Sư 309 thuộc tỉnh Đồng Nai cho Đại học Mở Bán công để xây trường.

Ngày 16 tháng 10 năm 1995, Thiếu tướng Lê Văn Dũng – Tư lệnh Quân đoàn IV, Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ – Chính ủy Quân đoàn IV và TS Cao Văn Phường ký thỏa thuận chuyển giao 35 hecta đất khu Long Bình cho Đại học Mở – Bán công Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 02 tháng 3 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1028/KTN cho phép Đại học Mở xây dựng trường tại khu đất Quân đoàn IV chuyển nhượng tại tỉnh Đồng Nai, Nhà trường bồi hoàn cơ sở vật chất cho Quân đoàn IV.

Năm 1996, Thanh tra Chính phủ làm việc với Đại học Mở Bán công Tp.HCM, tại buổi làm việc đồng chí trưởng đoàn Thanh tra có hỏi: “Ai cho phép các anh quyết định thành lập phân hiệu, phân hiệu phải do Thủ tướng ký mới được”. Tôi đã giải thích với đoàn: “Đúng vậy, vì Thủ tướng ký thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đưa vào kế hoạch, Bộ Tài chính mới cấp kinh phí để hoạt động, còn Đại học Mở Bán công là cơ sở tự hạch toán, mọi hoạt động do trường tự trang trải, vì vậy chúng tôi chỉ báo cáo lên cấp trên để chỉ đạo, quyết định do Nhà trường quyết và tự chịu trách nhiệm”.

3. Những giá trị mô hình Đại học Mở Bán công để lại

Đại học Mở Bán công Tp.HCM được thành lập theo Quyết định số 389/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 7 năm 1993 trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng II được thành lập ngày 15 tháng 6 năm 1990, là trường Đại học Mở đầu tiên được xây dựng không sử dụng ngân sách Nhà nước, là trường đại học có quy mô đào tạo lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ với hơn 40.000 SV, đào tạo đa lĩnh vực, đa hệ, đa cấp.

Sự ra đời Đại học Mở Bán công là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam, thể hiện sự đổi mới về nhận thức trong giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới các hoạt động kinh tế – xã hội.

Từ tư tưởng trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cơ sở để Viện Đào tạo Mở rộng chủ động phát huy nội lực xây dựng thành công Đại học Mở đa lĩnh vực, đại học tự hạch toán làm tiền đề cho sự ra đời phân hiệu các trường đại học cao đẳng ngoài công lập từ những năm 90 thế kỷ XX.

Nội dung tự chủ đã được Nhà trường triển khai thành công để xây dựng Nhà trường, trước hết tự chủ về tuyển chọn đội ngũ cán bộ thông qua các hợp đồng lao động, Nhà trường ký với người lao động để xây dựng bộ máy tổ chức; Hàng ngàn hợp đồng lao động với các nhà khoa học trong và ngoài nước, Đặc biệt, nhiều chuyên gia, những nhà khoa học có năng lực quản lý, đã từng làm việc với chính quyền trước đây được Nhà trường tuyển dụng tham gia giảng dạy, quản lý các khoa. Tự chủ về chuyên môn cho phép Đại học Mở đã xây dựng mới nhiều chương trình mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được giới thiệu phần trên.

Nhiều ngành nghề như Quản trị Kinh doanh, Phụ Nữ học, Đông Nam Á học, Công thôn, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học…Đặc biệt, sự ra đời ngành Quản trị Kinh doanh đã góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước hội nhập vào nền kinh tế mở – kinh tế thị trường, mặc dù sự ra đời của ngành này lúc đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận. Trên tạp chí Readers Digest (Hoa Kỳ) tháng 04 năm 1994 đã viết về sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh của Nhà trường: “Nét khái quát chân phương nhất về tương lai của Việt Nam có thể tìm thấy ở Đại học Mở Bán công Tp.HCM, nơi đang giảng dạy cho mọi người làm giàu…”.

Với mục tiêu: Phụ nữ là nhà giáo, là bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phụ nữ là nhà quản trị. Với thiên chức trên, ngành Phụ nữ học đã thu hút gần 3.000 SV, trong đó có nhiều sư sãi, những cán bộ làm công tác xã hội theo học.

Nhằm chuẩn bị cho SV lập nghiệp hoặc để tìm việc làm. Các chương trình đào tạo của Nhà trường ngoài các môn chuyên ngành, tất cả chương trình đào tạo các khoa bắt buộc phải đưa thêm vào 03 môn: Anh ngữ chuyên ngành 24 tín chỉ, Tin học ứng dụng 12 tín chỉ, Quản trị học 12 tín chỉ. Đây là công thức “3B” của Đại học Mở Bán công. Nhờ cấu trúc chương trình đào tạo như vậy nên nhiều sinh viên tốt nghiệp lớp đầu đều thành đạt và đang giữ những vai trò chủ chốt trong các công ty, xí nghiệp, trong các cơ quan.

Tự chủ Hợp tác Quốc tế cho phép Đại học Mở Bán công ký kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu. Nhiều chuyên gia tham gia giảng dạy, chuyển đổi chương trình đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, biên soạn bài giảng, xây dựng học liệu, xây dựng kỹ thuật lượng giá… Đặc biệt, chương trình liên kết đào tạo MBA với Đại học tự do Vương Quốc Bỉ, nhiều học viên của chương trình này đã thành đạt, lãnh đạo các công ty xí nghiệp, tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Thông qua chương trình liên kết đào tạo đã giúp cho Nhà trường hoàn thiện công tác tổ chức quản lý, các giảng viên của trường hoàn thiện phương pháp và kinh nghiệp giảng dạy.

Tự chủ về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất: Việc Đại học Mở chi trả bồi hoàn 34 ha đất ở Long Thành và cơ sở Lâm nghiệp Sông Bé được thực hiện trong thời gian ngắn nhờ Nhà trường tự lo về tài chính.

Tự chủ công tác tuyển sinh: Những năm đầu Viện đào tạo tuyển sinh theo hình thức ghi danh xét tuyển trên cơ sở kết quả tốt nghiệp Trung học Phổ thông và học bạ năm cuối. Nhà trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, vì vậy hàng năm Nhà trường tổ chức tuyển sinh 03 đợt theo học kỳ 04 tháng, cách tuyển sinh này rất thuận lợi cho người học, người học có thể ghi danh học lại những tín chỉ có kết quả chưa đạt không phải chờ đến lần tuyển sinh năm sau, chỉ tiêu tuyển sinh do Nhà trường tự quyết trên cơ sở có đủ điều kiện, cơ sở trường lớp, đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành, đảm bảo chất lượng đào tạo.

4. Luận bàn về vấn đề tự chủ

Hoạt động giáo dục cũng như các hoạt động kinh tế đều phải hạch toán, phải có tài chính mới chủ động quyết định tuyển chọn cán bộ, xây dựng bộ máy tổ chức, chủ động tổ chức nghiên cứu, đổi mới chương trình, mục tiêu đào tạo; Chủ động quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật tư kỹ thuật đảm bảo chất lượng đào tạo…

Cách đây 29 năm, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công tự chủ và bàn giao cho Viện 20 phòng trọ nhà cấp IV được xây dựng trên diện tích 2.400m2 tại 97 Võ Văn Tần, Tp. HCM với 13 cán bộ nhân viên phục vụ để xây dựng cơ sở đại học với hai thử nghiệm về đào tạo mở và tự hạch toán. Ý tưởng tự chủ lúc bấy giờ lãnh đạo Bộ đưa ra thực chất chính là tự lo về tài chính, để mở rộng khái niệm tự chủ lúc đó tôi đã giải thích làm rõ khái niệm tự chủ với lãnh đạo Bộ: “Như vậy, Bộ cho phép trường chủ động đổi mới, xây dựng mới chương trình mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, được chủ động tuyển chọn cán bộ, xây dựng bộ máy, được chủ động liên kết hợp tác quốc tế, tự chủ về tài chính” và lãnh đạo Bộ đã xác nhận như vậy.

Nội dung trao đổi với lãnh đạo lúc bấy giờ là những nội dung cụ thể về tự chủ, là chỗ dựa để sau này Viện Đào tạo Mở rộng xây dựng Viện trở thành Đại học Mở Bán công với những kết quả đã được giới thiệu một phần trong bài viết này.

25 năm sau, tinh thần tự chủ được đưa vào Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 1994, theo tinh thần Nghị quyết 77, Chính phủ cho phép các trường tự đảm bảo kinh phí cho các hoạt động được tự chủ. Đây là cơ hội để các trường tạo thế chủ động xây dựng phát triển, lợi thế mà các trường đại học ngày nay có được nhờ Nghị quyết 77 đó là:

– Được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, cơ sở vật tư kỹ thuật với số vốn hàng ngàn tỷ mà Nhà trường hiện có.

– Đã có đội ngũ cán bộ vài trăm người, có bộ máy tổ chức.

– Đã có chương trình đào tạo, đã có sinh viên.

Những lợi thế trên cũng là những vấn đề khó mà các trường đại học cần phải giải quyết đó là:

– Các trường được tự chủ chắc chắn phải đứng ra nhận bàn giao với Nhà nước vốn nhà nước đầu tư ban đầu: Cơ sở trường lớp, cơ sở vật tư kỹ thuật đã được đánh giá. Nhiệm vụ các trường phải bảo tồn và đầu tư phát triển. Đây là vấn đề lãnh đạo vĩ mô cần có những quy định chặt chẽ. Tập thể Nhà trường ai sẽ đứng ra đảm nhận trọng trách này? Đây là việc khó, các trường sẽ gặp phải.

– Đội ngũ cán bộ, bộ máy tổ chức hiện hữu đang trong biên chế hưởng lương Nhà nước, nay các trường có giữ nguyên bộ máy và trả lương như thế nào? Lao động làm việc có qua hợp đồng lao động không?

– Mối quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Công đoàn và các đoàn thể với Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu, ai sẽ là người đại diện đứng ra ký kết nhận bàn giao giữa Nhà trường với Nhà nước?

– Việc xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo mới thay thế cho các chương trình mục tiêu đào tạo không còn phù hợp chắc chắn phải có Hội đồng Khoa học mới, tạo cơ chế như thế nào cho người chủ trì (Trưởng khoa), các chương trình đào tạo mới, chế độ cho người chủ trì mới và những người đương chức sẽ giải quyết ra sao?

Những vấn đề nêu trên không chỉ là những vấn đề của các cơ sở mà còn là những vấn đề của các cấp quản lý vĩ mô. Để vấn đề “Tự chủ” các đại học tạo động lực cho đại học phát triển ổn định, Nhà nước phải thể hiện chủ trương tự chủ thông qua luật pháp. Đây không còn là câu chuyện tự chủ cách đây 29 năm về trước.

5. Sau 29 năm nhìn lại

Đại học Mở Bán công Tp.HCM được xây dựng trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng cách đây 29 năm vào thời điểm ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trương đổi mới chương trình mục tiêu đào tạo đại học theo hướng mở, thử nghiệm xây dựng đại học tự hạch toán.

Thách thức lớn nhất đối với Nhà trường lúc bấy giờ là làm sao đưa được các tư tưởng đổi mới tự chủ đại học vào cuộc sống khi chưa có quy định của luật pháp. Sự thành công của Viện Đào tạo Mở rộng – Đại học Mở Bán công gắn liền với sự quyết tâm ủng hộ của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện qua Bộ đã ban hành liên tục những quyết định về tổ chức và nâng cấp Viện Đào tạo Mở rộng từ trực thuộc Trường Cán bộ Quản lý (Quyết định số 451/TCCB ngày 15/6/1990), Viện Đào tạo Mở rộng hai cơ sở ở Hà Nội, Tp.HCM trực thuộc Bộ theo Quyết định số 1612/TCCB ngày 15/10/1990 chung đầu mối lãnh đạo.

Ngày 12 tháng 12 năm 1990, Quyết định số 220/TCCB thành lập Viện Đào tạo Mở rộng II Tp.HCM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự quyết tâm của Bộ trưởng và các cộng sự của ông đã tạo niềm tin cho Nhà trường chủ động sáng tạo, mạnh dạn đưa ra những giải pháp phù hợp và sẵn sàng chịu trách nhiệm thể hiện rõ qua: Tuyển chọn những nhà khoa học đã từng làm việc với chính quyền trước đây vào vị trí lãnh đạo các khoa, thiết kế chương trình đào tạo mới chưa có mã số theo nhu cầu xã hội, chuyển đổi đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tổ chức đào tạo từ xa, đầu tư mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cho đồng bào dân tộc, ký kết hợp tác quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…Cách đây gần 30 năm những việc làm trên của Viện Đào tạo Mở rộng có nhiều ý kiến không đồng thuận, được coi là “Phá rào”.

Chưa có nghiên cứu tổng kết về Đại học Mở Bán công Tp.HCM. Tuy nhiên những gì Nhà trường đã thu được trong 28 năm qua, những con số Nhà trường cung cấp nhân kỷ niệm 25 năm thành lập là những thành tựu rất đáng trân trọng, đáng khích lệ: Nhà trường đã cung cấp cho đất nước 100.000 cử nhân và kỹ sư, 2.400 thạc sĩ. Quy mô đào tạo hiện là 54.000 sinh viên các hệ. 17 chương trình đào tạo đại học, 13 chương trình đào tạo thạc sĩ, 02 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Quyết định số 389/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đại học Mở Bán công trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng Tp.HCM là sự công nhận chính thức của Nhà nước tính đúng đắn chủ trương xây dựng mô mình thử nghiệm Viện Đào tạo Mở rộng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công nhận của Nhà nước những thành tựu và sự đóng góp của tập thể Viện Đào tạo Mở rộng Tp.HCM đã xây dựng thành công mô hình đại học mở tự hạch toán đầu tiên cho đất nước, tạo tiền đề cho sự ra đời phân hệ các trường đại học cao đẳng ngoài công lập.

Thay lời kết, xin trích bức thư của Chủ tịch nước Lê Đức Anh viết cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 01 tháng 4 năm 1993 và thư của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu gởi Đại học Mở Bán công Tp.HCM nhân kỷ niệm 05 năm thành lập Đại học Mở Bán công Tp.HCM:

"LÊ ĐỨC ANH

                                                                                    Ngày 01 tháng 4 năm 1993

Kính gửi Anh 6 Dân

Viện Đại học mở rộng của đồng chí Cao Văn Phường là một mô hình đào tạo cán bộ đại học tốt, đề nghị anh gặp đồng chí Cao Văn Phường để đồng chí Phường thăm anh và trình bày kết quả đã làm được để anh nghiên cứu và chỉ đạo cho ngành đại học.

Thân mến.

Anh"

Trích thư của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu: “Rõ ràng nơi nào mà nhân dân, bè bạn ghé vai vào thì gánh nặng hóa nhẹ, thật ra tập thể nhà trường đã phải thực tế tỏ ra xứng đáng thì mới nhận được sự ủng hộ đó”.

Ngày 15/6/1995, lễ tổng kết 5 năm xây dựng và phát triển Đại học Mở Tp.HCM. Từ trái sang phải: GS. Cao Văn Phường – Hiệu trưởng, GS.NGND Trần Văn Giàu và Nhà NC Trần Bạch Đằng

Ban Biên tập