Tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy Ngành Luật Kinh tế” 2019

1633

Sáng 12/5, Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng giảng dạy Ngành Luật Kinh tế” 2019 tại phòng họp A1, khu giảng đường A.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến hoàn thiện chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và một số vấn đề liên quan đến công tác đánh giá đối với chương trình đào tạo cử nhân Luật kinh tế của Khoa Luật học – Trường Đại học Bình Dương. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo Ngành Luật kinh tế của Nhà trường cả về lượng lẫn chất, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa như ở nước ta hiện nay.

TS. LS Phan Thông Anh – Trưởng Khoa Luật học chủ trì buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, cán bộ và giảng viên Khoa Luật học Nhà trường đã có những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn mang tính xây dựng, đóng góp và phát triển Khoa Luật học Trường Đại học Bình Dương trong thời gian tới liên quan đến những vấn đề như: Đánh giá công tác tổ chức giảng dạy và chương trình đào tạo hiện nay từ đó đề xuất phương hướng giải quyết; Chỉnh sửa đề cương chi tiết, bài giảng của các môn học sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn;

Đánh giá về phương pháp tính điểm cho sinh viên hiện nay (10% điểm rèn luyện thư viện; 40% điểm quá trình trên lớp và 50% điểm kết thúc môn); Góp ý về các hình thức đánh giá kết quả môn học trong Khoa; Các phương án để nâng cao hoạt động học thuật trong sinh viên, nghiên cứu khoa học của Khoa trong giai đoạn tới; Trao đổi về việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong chương trình đào tạo; Kết nối doanh nghiệp, tăng cường kiến tập, thực tập và mở rộng kiến thức thực tiễn cho sinh viên…

Trải qua gần 4 tiếng trao đổi, Ban Lãnh đạo và giảng viên của Khoa Luật học bước đầu đã thống nhất một số nội dung cụ thể trong việc điều chỉnh cách thức giảng dạy và chương trình đào tạo của Khoa. Theo đó, các môn như: Đường lối Cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục thể chất là những môn thuộc khối kiến thức cơ bản không phải là môn nền cho chuyên ngành, không nhất thiết học trong năm đầu, thay vào đó, dành thời lượng cho khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành trước; Thống nhất bố trí môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật (môn cơ sở ngành) lên học kỳ đầu;

Tăng lượng tín chỉ các môn tố tụng (hành chính, hình sự, dân sự) từ 2 tín chỉ thành 3 tín chỉ; Tăng lượng tín chỉ từ 2 tín chỉ thành 3 tín chỉ đối với môn Luật Lao động; Luật Hình sự 1 phần chung và Luật Đất đai; Bổ sung môn Pháp luật về Thương mại điện tử (2 tín chỉ) vào học phần tự chọn; Thống nhất việc đưa bài tập tình huống/seminar căn cứ vào từng môn và điều kiện tổ chức lớp học. Đồng thời chú trọng trong công tác đánh giá chất lượng sinh viên thông qua các bài kiểm tra, bài tập seminar, tình huống, công tác điểm danh.

Giảng viên Khoa Luật học đóng góp ý kiến

Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến về cách thức giảng dạy của giảng viên trong đó ở thời gian tới Khoa sẽ đẩy mạnh việc áp dụng những tình huống thực tế để giảng dạy cho sinh viên từ đó giúp sinh viên củng cố kiến thức cũng như có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về một vụ án, vụ việc pháp lý. Đây vốn là thế mạnh trong đào tạo cử nhân Luật Kinh tế của Trường Đại học Bình Dương so với các cơ sở đào tạo khác.

ThS.Nguyễn Ngọc Biện Thùy Hương – Giảng viên Khoa Luật học cho biết: Nhằm nâng cao hoạt động học thuật và nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ở những học kỳ sau Khoa Luật học sẽ tổ chức nhiều hoạt động quy mô và bổ ích dành cho các bạn sinh viên. Theo đó, cùng với hoạt động của câu lạc bộ Phiên tòa sinh viên, hiện nay Khoa đang lập kế hoạch tổ chức cuộc thi học thuật Moot competition với phiên bản của Khoa Luật học Đại học Bình Dương.

Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm:

Tin: Hồng Tiền
Ảnh: Lê Đức