Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nền giáo dục Mở

2927

Sự ra đời Viện Đào tạo Mở rộng năm 1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mô hình thử nghiệm về đào tạo mở và xây dựng cơ sở giáo dục đại học tự hạch toán, không sử dụng ngân sách của Nhà nước. Từ mô hình thử nghiệm đến sự công nhận chính thức của Nhà nước để trở thành Đại học Mở Bán công Tp.HCM theo quyết định số 389/TTg ngày 26/7/1993 là cả quá trình Viện phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách: Ủng hộ, không ủng hộ, khen, phê phán, thậm chí ngay trong lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đầu năm 1992, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cử Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến thăm và làm việc với các cơ sở trường đại học phía Nam, trong đó có Viện Đào tạo Mở rộng II Tp.HCM. Tại buổi làm việc, Viện đã báo cáo công tác tổ chức và các hoạt động của Viện, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rất quan tâm đến những ngành nghề mới chưa có mã số mà Viện đào tạo: Quản trị Kinh doanh, Phụ nữ học, Công thôn, Công nghệ Thông tin, Đông Nam Á học, Công nghệ Sinh học, chương trình chuyển giao công nghệ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng sâu vùng xa, đặc biệt các chương trình hợp tác với các đại học Hoa Kỳ (phải nói đây là những vấn đề rất nhạy cảm lúc bấy giờ vì Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ban giao).

GS.VS Cao Văn Phường tặng Hồi ký “Đã từng có một Đại học mở như vậy” cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rất thích thú với cách tổ chức đào tạo mở, ghi danh tự do, chương trình đào tạo từ xa, tổ chức đào tạo của Nhà trường theo nguyên tắc “Mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra”, quá trình đào tạo là quá trình sàng lọc liên tục. Nhờ cuộc gặp gỡ này, những thông tin về kết quả tổ chức hoạt động của Viện Đào tạo Mở rộng II đã đến trực tiếp với Chủ tịch nước Lê Đức Anh, giúp cho Chủ tịch hiểu đúng về Viện Đào tạo Mở rộng Tp.HCM.

Thời gian sinh viên khóa I của Viện sắp tốt nghiệp ra trường, tôi rất lo vì Viện không có tư cách pháp nhân để ký bằng đại học. Một hôm tôi đến Trung tâm Tin học ứng dụng của Viện đặt tại Trường Mẫu giáo TW III, ở đây tôi gặp Tiến sĩ Lê Xuân Hồng (con gái của Chủ tịch nước Lê Đức Anh) – Hiệu trưởng trường, Tiến sĩ Hồng hỏi tôi: “Sao anh trông mệt mỏi vậy?”, tôi nói tôi đang lo lắng về việc đến nay vẫn chưa có quyết định của Chính phủ cho phép chuyển Viện Đào tạo Mở rộng thành đại học, số sinh viên tốt nghiệp ai sẽ cấp bằng.

– Sao anh không xin gặp Thủ tướng hay Chủ tịch nước để trực tiếp báo cáo tình hình, những chuyện Viện của Anh các cụ đều biết.

Nhờ gợi ý của Tiến sĩ Hồng, tôi thấy không còn cách nào khác, ngay hôm sau tôi viết thư gửi cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh xin phép được gặp Chủ tịch để báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của Viện.

Thật bất ngờ, vài hôm sau tôi nhận được điện thông báo từ Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch Lê Đức Anh đồng ý tiếp tôi vào lúc 8h00 sáng ngày 01 tháng 4 năm 1993 tại số 05 đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

Đúng hẹn, tôi đến số 05 Hoàng Diệu, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp tôi tại phòng làm việc của Chủ tịch, Chủ tịch chăm chú nghe tôi báo cáo tình hình tổ chức, kết quả hoạt động của Viện thực hiện hai thử nghiệm của ngành giáo dục: Xây dựng mô hình đào tạo mở, xây dựng cơ sở giáo dục đại học tự hạch toán… Chủ tịch rất quan tâm các chương trình đào tạo của Viện như: Quản trị Kinh doanh, Đông Nam Á học, Phụ nữ học, Công thôn nhằm góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước hòa nhập vào nền kinh tế mở, kinh tế thị trường.

Chủ tịch hỏi: “Viện có ý kiến đề xuất gì?”. Thưa Chủ tịch, Viện đã hoạt động thử nghiệm gần 03 năm, những kết quả hoạt động của Viện đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra đánh giá tốt. Viện đã có tờ trình lên Bộ hơn một năm, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có quyết định cho phép chuyển Viện thành đại học, sinh viên khóa I sắp ra trường – Tôi trả lời Chủ tịch.

– Việc này anh phải trực tiếp gặp Thủ tướng mới giải quyết được. Nhìn tôi, Chủ tịch nói tiếp: “Tôi sẽ giới thiệu anh sang xin phép gặp Thủ tướng”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tự tay viết bức thư gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt để tôi được gặp Thủ tướng. Bức thư vô giá đó của Chủ tịch Lê Đức Anh khẳng định sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp xây dựng phát triển nền giáo dục mở (bức thư này tôi đã giới thiệu trong Hồi ký “Đã từng có một Đại học Mở như vậy” và “Hành trình đến nền Giáo dục mở” do Nhà xuất bản Văn học giới thiệu năm 2010 và 2015).

Bức thư do Chủ tịch nước Lê Đức Anh viết gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt 

Nhờ bức thư của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tôi đã được tiếp kiến Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ngày 26 tháng 7 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 389/TTg cho phép thành lập Đại học Mở Bán công Tp.HCM trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng II Tp.HCM.

Hôm nay là ngày nhân dân cả nước đưa tiễn Chủ tịch nước Lê Đức Anh về với cõi vĩnh hằng. Đại học Mở Tp.HCM cũng đã có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhiều người trong số họ giữ những trọng trách trong các công ty xí nghiệp, góp phần tích cực xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, hòa nhập vào thế giới mở. Xây dựng nền giáo dục mở để ai ai cũng được học hành là ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng. Sự ra đời của các Đại học Mở Việt Nam có sự đóng góp to lớn, quý báu của Chủ tịch Lê Đức Anh, nhân dân, thế hệ trẻ luôn nhớ ơn Chủ tịch.

Xin thắp một nén hương tri ân Chủ tịch nước Lê Đức Anh./.

 

GS.VS Cao Văn Phường

Thành viên sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Bán công Tp.HCM.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam.

15h00, ngày 03 tháng 5 năm 2019.